Vợ chồng anh Cường làm việc tại một khu công nghiệp lớn ở Hà Nội. Đang lúc nhiều người còn phải thuê nhà trọ thì công ty thông báo sắp có đợt phân phối nhà ở xã hội giá rẻ.
Nhiều công nhân lao động hối thúc làm đơn. Nhưng anh Cường thì vẫn “bình chân như vại” vì vợ chồng anh đã có một căn nhà vài chục m2 trong ngõ bố anh mua trước lúc về hưu. Trái lại, chị Ngân vợ anh thì ruột như lửa đốt, nghe chị em bàn tán, càng khát khao có một căn nhà mới trong chung cư vừa xây dựng nhưng ngặt nỗi gia đình chị đã có nhà ở nên không được đăng ký mua. Chẳng biết ai mách nước, chị lại bàn với chồng chuyện “giả vờ ly hôn” để được suất mua nhà. Anh Cường nghe vợ nói thì rất kinh ngạc sao vợ mình lại có ý đồ ấy, bởi từ khi trưởng thành, được học hành rồi vào công ty này làm việc, anh chưa bao giờ lại có ý nghĩ hay việc làm gì trái với lương tâm. Nhưng chị vợ thì vẫn kiên trì thuyết phục, vì nếu việc thành thì chị mới có cơ hội mua nhà. Thấy một mình không làm chồng lay chuyển, chị kéo cả cha mẹ đẻ, anh em vào cuộc. Rốt cuộc, dù còn rất yêu thương vợ, nhưng anh vẫn bị ép “giả ly hôn”. Anh cũng liều “nhắm mắt đưa tay” ký vào đơn, chưa nghĩ là sẽ còn hệ lụy sau này ra sao nữa…
Câu chuyện này do bạn của anh Cường kể với tôi trên một chuyến xe đi Hà Nội. Nửa tin nửa ngờ, tôi hỏi tiếp:
- Vậy cuối cùng vợ chồng được hai chỗ ở?
- Được thế nào chứ! - anh đáp - Ở đời không phải chuyện giả nào cũng che mắt thiên hạ được. Vợ chồng làm xong thủ tục “ly hôn” thì có đơn tố cáo. Ban lãnh đạo công ty bác đơn xin mua nhà của chị Ngân vì dư luận cho đây là một màn kịch vụng về. Cả đội lao động của chị ai cũng ngạc nhiên vì lâu nay vợ chồng họ sống với nhau tình cảm thế, sao lại dễ dàng ly hôn được.
- Chuyện không thành thì cũng thôi chứ có làm sao?
- Tình cảm vợ chồng và cả gia đình cũng ít nhiều bị sứt mẻ. Riêng anh Cường còn phải viết kiểm điểm vì thiếu trung thực, đồng tình với vợ trong việc làm sai trái. Đúng là “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”, anh nhỉ?
THẾ NGUYỄN