Đúng 21 giờ hôm đó, Bác giao lại chiếc phong bì to đựng các bản thảo Di chúc và bản Di chúc đã đánh máy có chữ ký của Tổng Bí thư Lê Duẩn cho ông Vũ Kỳ.
Báo điện tử Hải Dương giới thiệu một số trích đoạn trong bài viết: “Bối cảnh lịch sử ra đời bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" của tác giả Trần Thị Thuấn, cán bộ Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Ngày đầu tiên Bác viết Di chúc
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đã viết nhiều văn kiện quan trọng. Riêng những lời để lại trước khi từ biệt thế giới này, thì giờ Bác dành cho nó khá nhiều.
Theo ông Vũ Kỳ (nguyên thư ký riêng của Bác), “Trong khoảng thời gian 4 năm, từ 10.5.1965 - 19.5.1969, Bác đã để cả thảy 28 buổi, phần lớn mỗi buổi hai giờ rưỡi để viết Di chúc.
Năm 1965, những dòng đầu tiên của Di chúc đã được Bác viết từ 9-10 giờ, thứ hai, ngày 10.5. Cũng vào giờ này của các ngày 11,12,13, Bác tiếp tục viết Di chúc.
Ngày 14.5, từ 6-9 giờ, Bác đến thăm nông dân xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, gặt lúa chiêm. Gần 10 giờ, Bác mới về đến nhà kịp tham gia họp Bộ Chính trị bàn về công tác đào tạo cán bộ, nên ngày đó Bác đã không viết tiếp bản thảo như giờ đã định.
Buổi chiều, từ 14-16 giờ, Bác viết tiếp tài liệu “Tuyệt đối bí mật” và tự tay đánh máy. Đúng 16 giờ ngày 14.5.1965, Bác đánh xong bản Di chúc và cũng đến giờ Bác hẹn Tổng Bí thư Lê Duẩn sang gặp.
Nhưng Bác đánh máy dòng chữ "Hà Nội ngày 15.5.1965" trước chữ ký Hồ Chí Minh. Bên cạnh, phía trái là chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn”.
Như vậy, sự chứng kiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã diễn ra trong khoảng thời gian từ 16 giờ đến trước 18 giờ ngày 14.5.1965 vì đúng 18 giờ, Trung ương vào chúc thọ Bác 75 tuổi.
Sau đó, từ 19 giờ 30, Bác đi dự mít tinh của thiếu nhi thủ đô nhân dịp kỷ niệm lần thứ 24 ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Việt Nam và chúc thọ Bác 75 tuổi.
Đúng 21 giờ hôm đó, về đến nhà sàn, Bác giao lại chiếc phong bì to đựng các bản thảo Di chúc và bản Di chúc đã đánh máy có chữ ký của Tổng Bí thư Lê Duẩn cho ông Vũ Kỳ và dặn “Chú giữ cẩn thận, sang năm 10.5 nhớ đưa lại cho Bác”.
Sáng sớm ngày 15.5.1965, Bác đi thăm Trung Quốc, Liên Xô một tháng. Ngày 15 ấy, Bác cũng lấy là ngày viết xong Di chúc.
Có sự trùng hợp ngẫu nhiên của con số 15 (ngày 15.2.1965, Bác về thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn - Hải Dương) mà ông Vũ Kỳ cho là “Rồi đây các nhà viết sử có lẽ phải dành nhiều trang cho sự kiện ngẫu nhiên này”.
Năm 1966, từ ngày 10-15.5, từ 9-10 giờ hàng ngày, Bác vẫn dành thời gian viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Theo ông Vũ Kỳ, Bác đã đọc rất chăm chú trên từng câu, từng chữ bản Di chúc Bác đánh máy xong lúc 16 giờ ngày 14.5.1965.
Bác không viết gì thêm, chỉ ghi thêm một câu đặc biệt quan trọng “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” sau đoạn “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Qua nghiên cứu bản gốc, còn có thêm cụm từ "phục vụ Tổ quốc" Bác viết ở bên lề để thêm vào sau cụm từ “phục vụ nhân dân” và Bác mở ngoặc “Tôi viết thêm H.C.M”.
Câu "phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” và cụm từ “phục vụ Tổ quốc” viết bằng bút mực Cửu long xanh đen. Ngoài ra, Bác sửa một số lỗi chính tả do đánh máy sai bằng bút bi màu mực xanh.
Ví như câu “lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”, Bác sửa chữ “tốt” thay cho chữ “lợi”.
Năm 1967, từ ngày 14.4, Bác đi công tác nước ngoài đến 30.6 mới về, nên tài liệu “tuyệt đối bí mật” được ông Vũ Kỳ cất vào một chỗ khác.
Năm 1968, từ ngày 10-19.5, ngày nào Bác cũng dành một giờ, từ 9 - 10 giờ, tiếp tục viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Năm này, Bác bổ sung và sửa chữa nhiều cho Di chúc và viết thêm 6 trang.
Từ ngày 10-18.5 năm ấy, Bác viết và sửa Di chúc ở nhà sàn. Riêng ngày 19.5, Bác viết ở nhà nghỉ Hồ Tây.
Vì 18 giờ ngày 18.5, sau bữa cơm chiều Bác đã bí mật rời Phủ Chủ tịch lên Hồ Tây để tránh liên hoan chúc thọ sinh nhật Bác. Ngày sinh nhật Bác năm ấy, Bác bình thản chuẩn bị cho ngày ra đi của mình.
Cân nhắc từng ý, từng lời
Năm 1969, từ ngày 10-20.5, Bác vẫn đều đặn dành mỗi ngày 1 giờ, từ 9-10 giờ, để xem lại và sửa chữa Di chúc.
Riêng ngày 10.5, do đi dự hội nghị Trung ương họp ở nhà khách Hồ Tây về đến nhà sàn đã hơn 9 giờ nên lần đầu tiên trong 4 năm viết Di chúc, Bác đã lùi thời gian từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30.
Ngày đó, Bác đã viết lại toàn bộ phần mở đầu của Di chúc vào mặt sau tờ cuối cùng của tập bản tin (tin tham khảo đặc biệt)- số ra thứ 7 ngày 3.5.1969 do Việt Nam Thông tấn xã phát hành.
Tập bản tin này gồm 15 trang, khổ A4, in rôneo. Bản viết này, Bác viết bằng bút mực Cửu long xanh đen. Những chữ sửa lại, viết thêm Bác dùng bút mực đỏ, những chỗ gạch chân, chữ số, Bác dùng bút bi đỏ.
Và ngày 12.5, do buổi sáng Bác đi dự họp Bộ Chính trị nên Bác chuyển giờ viết Di chúc vào buổi chiều, từ 15-16 giờ. Những ngày này, Bác chủ yếu tập trung vào sửa chữa đoạn mở đầu và viết thêm Di chúc năm 1968.
Như vậy, bản Di chúc đã được Bác khởi thảo từ ngày 10.5.1965 và ngày 20.5.1969 là ngày Bác xem lại lần cuối cùng.
Trong khoảng 4 năm ấy, cứ vào trung tuần tháng 5 hàng năm, phần lớn mỗi ngày Bác đều dành 1 giờ để xem lại, sửa chữa, bổ sung những chỗ cần thiết, có khi viết thêm một số trang, hoặc sửa chữa một số câu, có khi chỉ thay đổi một vài chữ trong Di chúc.
Với trách nhiệm với hậu thế, Bác cân nhắc từng ý, từng lời, nhưng mỗi ý, mỗi lời đều giản dị, chân thành, trong sáng, tự nhiên như chính cuộc đời mà Bác đã sống.