Thay vì âm thầm tiết kiệm, ngày nay nhiều người khoe việc này như một thành tích.
Những bữa cơm không thịt trên mạng xã hội |
Sau đại dịch, kinh tế khó khăn hơn, nhiều người tự dưng giảm “hứng” với việc khoe nhà, khoe xe, khoe “check-in” ở nơi sang chảnh… Những kẻ thích “hóng” cũng giảm u mê thưởng thức “sống ảo”. Đúng lúc ấy, TikTok lại sinh ra trend “tiết kiệm ồn ào”. Thay vì âm thầm tiết kiệm, ngày nay nhiều người khoe việc này như một thành tích.
Đừng giả vờ ổn như Scarlett
Lúc này trên Facebook nở ra nhiều hội nhóm chuyên chủ đề thực hành tiết kiệm thu hút hàng ngàn thành viên, thí dụ “Hội chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm chi tiêu” với 9.588 thành viên; Nhóm công khai “Bí quyết tiết kiệm tiền” với 13.070 thành viên; Hội “Vén khéo” với 497.572 thành viên… Theo thông tin từ “Hội chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm chi tiêu” thì người đẻ ra “tiết kiệm ồn ào” là Lukas Battle, một diễn viên hài, một nhà văn, người sáng tạo TikTok 26 tuổi sống ở New York (Mỹ).
Vào cuối tháng 12/2023, qua một bài đăng trên TikTok, Lukas Battle cho biết, anh đã nghĩ ra cách “tiết kiệm ồn ào” sau khi chi tiêu quá mức cho một đêm đi chơi. Việc chạy theo người nổi tiếng hay thói quen tiêu dùng xa xỉ đã dẫn đến những hậu quả tài chính nghiêm trọng cho giới trẻ. Cho nên phong trào “tiết kiệm ồn ào” có thể giúp mọi người cảm thấy tự hào về mục tiêu tài chính và việc tiết kiệm của bản thân, thay vì cảm thấy khó chịu hay xấu hổ.
Trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”, tiểu thư Scarlett O’Hara lâm cảnh sa sút vẫn dùng tấm rèm cửa màu xanh để may váy áo đẹp vào nhà tù thăm Rhett Butler. Vị thuyền trưởng vượt phong toả nổi tiếng khen cô nhuận sắc nhưng khi nhìn xuống đôi bàn tay của người đẹp Rhett Butler đã phát hiện sự thật: Cô ấy đang nghèo, đang phải lao động chân tay vất vả. Bị “bóc mẽ” Scarlett xấu hổ. Nếu đặt một người trẻ hôm nay vào hoàn cảnh của Scarlett, chắc họ không ngại che giấu hiện thực, thậm chí còn “flex” cách họ nỗ lực chiến đấu với khó khăn.
NSƯT Quyền Linh khoe “gia tài” dép tổ ong |
Trên các hội nhóm bàn thực hành tiết kiệm, nhiều tài khoản không ngại xin tư vấn về chi tiêu hoặc thoát nghèo. Chẳng hạn, “lương em 4 triệu nhưng vẫn muốn để ra 1-1,5 triệu, làm sao bây giờ?”. Tài khoản khác lại hỏi: “Em giữ tiền chồng nên đưa chồng mỗi tháng bao nhiêu tiền, đưa 2 triệu có ít quá không?” (Chị gái này còn giới thiệu thêm về chồng, chồng ít đi nhậu, hết giờ làm về nhà).
Có người lại băn khoăn không biết làm sao để từ chối khi đồng nghiệp cứ rủ đi ăn hoài: “Mình làm văn phòng, phòng mình nhóm có 7 chị em, lương người nào cao nhất tầm 8 triệu, thấp nhất 6 triệu (mình nè). Vậy mà 1 tháng là rủ đi ăn 1 lần, có khi 2 lần, mỗi lần ăn tốn từ 100-300k, chưa kể rủ ăn vặt trà sữa, sinh nhật, làm thêm được bao nhiêu là cả đám bạn lại bàn nhau lấy tiền đó đi ăn mừng, ai cũng hứng khởi đi ngoại trừ mình”.
Câu chuyện này nhận được nhiều “gỡ rối”. Bất ngờ ở chỗ, nhiều tài khoản góp ý bạn gái cứ nói thẳng: “Em không có tiền. Mời thì em đi, share (chia sẻ, đóng góp) thì em không. Từ chối khéo quá người ta lại tưởng mình bận thật”; “Nói toẹt ra là mình còn tiết kiệm cho tuổi già”; “Bảo em hết tiền rồi các chị mời thì em đi”… Nếu gặp tình huống dở khóc, dở cười trên, người nghĩ ra “tiết kiệm ồn ào” Lukas Battle sẽ đáp: “Xin lỗi, tôi đã hết ngân sách đi ăn nhà hàng của tháng này”.
Có tài khoản cảm thán khi xem câu chuyện lương 6 triệu đồng cứ bị “dụ” đi ăn: “Y chang trường hợp của mình, xong còn bị mang tiếng ki bo keo kiệt. Trong khi chưa bao giờ vay tiền hay dây dưa tiền bạc của người khác”. Cho nên, đừng tưởng ai cũng “đu” xu hướng “tiết kiệm ồn ào”. Cứ khoe kế hoạch tiết kiệm có khi bị người ta cười và ngầm chê cũng nên.
Tiết kiệm hay chiêu trò?
Ca sĩ Hồ Văn Cường khoe cảnh vào bếp làm món bình dân |
Kiểu khoe tiết kiệm rộn ràng nhất trên Facebook bây giờ là khoe mua thực phẩm, chế biến đồ ăn tươi ngon mà ít “đau” ví. Nhìn qua ngó lại trên mạng chỉ thấy toàn phụ nữ đảm, phụ nữ chăm. Phụ nữ lười, phụ nữ đoảng lại thành “quý hiếm”. Những mâm cơm gây chú ý trên mạng thường là những mâm cơm bình dị gây giật mình ở giá cả.
Trước khi trào lưu “tiết kiệm ồn ào” ra đời, có người khoe mâm cơm giá 15 ngàn đồng với cá mòi, rau muống, đậu phụ rim cà chua. Chị này liệt kê tường tận: “Cá mòi 5 nghìn, đậu hũ 5 nghìn, cà chua 2 nghìn, rau muống 3 nghìn”. Kết quả ngoài lời khen đảm đang, vén khéo, chị còn nhận về một “rổ” những bình luận không êm tai: “Nhảm nhí quá, giá này có khi 10 năm trước còn tin được”; “Cá ở đâu mà 5k 2 con vậy, chắc được cho à?”. Có tài khoản còn cho rằng, chị “vẽ” ra mâm cơm giá rẻ mục đích để câu “like”.
Có tài khoản lại khoe thu nhập hai vợ chồng chỉ trên chục triệu vẫn ki cóp tậu được nhà, mua được xe. Người khen cũng nhiều, người chê cũng lắm, kiểu: “Mua nhà và xe ở hàng mã à?”. Trong hội “Vén khéo” lại có người hào hứng vì tháng 7 được tăng lương: “Chồng mình làm bên nhà máy nước, mình làm cán bộ y tế học đường. Lương tăng lên chút mà hai vợ chồng mừng mừng tủi tủi, khi biết tiền lương tăng là vợ chồng ngồi tính toán lại chi phí”.
Họ quyết định lương tăng, chi tiêu vẫn vậy, nếu được tăng lương họ sẽ dư mỗi tháng 3-4 triệu đồng. Cuối cùng họ tung ra con số tiết kiệm gây choáng váng: “20 năm nữa khi đó hai vợ chồng em trên 50 rồi thì sẽ để dành được hơn 4 tỷ đồng”. Hoá ra, họ tính lợi nhuận 14%.
Đến đây, tài khoản này hỏi: “Theo mọi người có khả thi không ạ, hay là em nên gửi tiết kiệm thôi. Tiết kiệm thì 4-5% em thấy không ăn thua”. Một số tài khoản bình luận: “Bác đang kể chuyện cổ tích?”; “Thật vi diệu”; “Tính cua trong lỗ”; “Như hợp đồng chuyên nghiệp lần đầu tiên của Messi với Barcelona ấy nhỉ”…
Lãng phí cuộc đời?
Mâm cơm 15 ngàn đồng gây tranh cãi |
Hưởng ứng trào lưu “tiết kiệm ồn ào” có người khoe cách tiết kiệm nước, tiết kiệm tiền điện thoại bằng cách: Tranh thủ đến cơ quan tắm gội, gọi điện. Có người lại hoan hỉ: Chẳng bao giờ mất tiền mua báo vì toàn “chôm” báo ở cơ quan về nhà. Họ quên mất bài học từ thời ấu thơ: Không lấy của chung làm của riêng. Đi ngược lại bài học ấy, mất nhiều hơn được. Trước hết, họ mất sự tôn trọng, yêu quý của đồng nghiệp.
Tiết kiệm là một hành trình dài lâu và không đồng nghĩa với tằn tiện. Có những người “bóp mồm, bóp miệng” trong một thời gian dài, tự dưng cảm thấy đời không còn đáng sống. Một vị kể câu chuyện của mình: “Hồi xưa, em đã từng rất chi li với bản thân. Muốn tiết kiệm nên ăn không dám ăn, mỗi ngày ăn chưa đến 50 ngàn đồng, rồi uống nước vòi, không muốn đi chơi với bạn bè vì sợ tốn tiền, nên mối quan hệ bị mất dần. Đến một thời gian em bị bệnh còn tốn tiền hơn”. Có người khoe ảnh đọc sách bên cửa sổ trong ánh sáng tù mù, lợi dụng đèn đường hắt vào. Một tài khoản bình luận mỉa mai: “Sao không học Mạc Trạng nguyên (Mạc Đĩnh Chi) bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để lấy ánh sáng đọc sách?”.
Một người phụ nữ 70 tuổi cũng đu theo trào lưu “tiết kiệm ồn ào”. Bà kể, trước đây bà có thú mang sổ tiết kiệm ra ngắm mỗi khi xuống tinh thần. Thêm một cuốn sổ tiết kiệm bà lại mong sống dài thêm vài năm để được nhìn thấy 1 tỷ đồng: “Tôi cố gom góp để có số tiền ấy, vì chưa chạm vào tiền tỷ bao giờ”.
Phóng viên hỏi: “Có một tỷ đồng bà sẽ làm gì?”. Bà cười: “Chẳng để làm gì, chỉ thích thế thôi. Sau chết cũng không mang đi được”. Gần đây, được con trai tặng một chiếc điện thoại thông minh bà lão U80 biết đến trào lưu “tiết kiệm ồn ào” nên thường xuyên mang sổ tiết kiệm ra khoe với người quen, người thân, sau đó lại tự hào kể chuyện bà đã nỗ lực tiết kiệm ra sao. Nghe câu chuyện, có người hàng xóm bình luận: “Tằn tiện quá mức. Không biết vui sống, thật lãng phí cuộc đời”.
“Sao” cũng ưa… giá rẻ
“Ngôi sao” Hồng Kông đình đám một thời Trương Mạn Ngọc cảm giác tìm thấy tự do khi đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm, khi mua rau về nhà tự nấu ăn như bao người bình thường khác. Có người đã gặp mỹ nhân được mệnh danh “ngọc nữ dát vàng” mua đồ lót, quần áo, giày dép ở cửa hàng bình dân. Bà chia sẻ, không quan tâm đến thương hiệu mà hướng tới sự thoải mái.
Tháng 10 năm ngoái, một số khán giả Việt đã gặp Lisa, nhóm BlackPink, đi mua sắm ở TP Hồ Chí Minh. Đại sứ toàn cầu của thương hiệu trang sức xa xỉ Bvlgari lại dành sự ưu tiên cho các thiết kế Việt phù hợp với túi tiền bạn trẻ. Trước khi lên máy bay rời Việt Nam cô ngồi ăn bánh mì Việt cùng hội chị em. Người hâm mộ còn phát hiện “thần tượng” về Thái Lan bằng một chuyến bay giá rẻ.
Cũng không hiếm “sao” nội ưa lối sống bình dân. Hồ Văn Cường chưa bao giờ khoe hàng hiệu nhưng mới đây lại khoe video nấu món ăn quê mình. Một số “sao” Việt khoe “tài sản” dép tổ ong và sở thích đi dép tổ ong, sở thích ăn cá khô, ăn mắm…