Nhịp sống trẻ

Nghiện mua sắm, nhiều người trẻ rơi vào nợ nần

TRƯƠNG HÀ 21/07/2024 11:00

Nhiều người trẻ ở Hải Dương khả năng tài chính có hạn nhưng luôn mua sắm quá đà. Đặc biệt, trong bối cảnh mua sắm online đang bùng nổ như hiện nay khiến nhiều người không kiểm soát chi tiêu, rơi vào cảnh nợ nần.

00:00

mai.jpg
Chị Đ.P.M. thường xuyên xem livestream trên mạng xã hội và mua sắm online

Mua sắm bất chấp

Chị Đ.P.M., 25 tuổi ở phố Hàn Giang (TP Hải Dương) làm nhân viên văn phòng cho một công ty tư nhân. Thu nhập trung bình mỗi tháng của chị M. hơn 8 triệu đồng. Chị phải thuê nhà, chi phí điện nước và sinh hoạt cá nhân. Nhưng do thói quen thích mua sắm quá nhiều chị M. đã không ít lần rơi vào cảnh "chưa hết tháng đã hết tiền" và nợ tiền nhà trọ. Chị M. cho biết buổi tối mỗi ngày chị thường xuyên lướt điện thoại, xem các trang Facebook cá nhân livestream bán hàng; có lúc xem tới 2 – 3 trang và rồi có những tối chị chốt tới 3 – 4 đơn hàng. Đỉnh điểm là đầu năm 2024, khi xem một livestream xả hàng quần áo, giày dép, chị M. đã chốt tới 9 đơn hàng. “Lúc đó, lương chưa có, tài khoản chỉ còn mấy trăm nghìn đồng chi tiêu hằng ngày nên tôi đã đi vay đồng nghiệp hơn 4 triệu đồng để thanh toán. Hơn 4 triệu đồng đó tôi phải tiết kiệm 2 tháng mới trả hết nợ”, chị M. nói.

Anh B.Đ.X. ở xã Tân Phong (Ninh Giang) 23 tuổi, hiện đang làm công nhân tại một công ty trong khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) cùng từng rơi vào cảnh nợ nần vì mua sắm quá đà. Năm 2023, anh làm công nhân ở Hải Phòng với mức thu nhập bình quân 12 triệu đồng/tháng. Là người thích mua sắm, anh đã không ít lần mua sắm quá tay, nhất là do sở thích “lên đời” điện thoại mỗi khi có hãng ra mắt sản phẩm mới. Cuối năm 2023 vì mong muốn sở hữu chiếc điện thoại iphone 15, anh X. đã đăng ký phương thức mua trả góp tại một cửa hàng điện thoại. Không may sau đó, công ty cắt giảm lao động, anh phải nghỉ việc. Không có việc làm, gần 30 triệu đồng mua điện thoại chưa trả được khiến anh rơi vào cảnh nợ nần phải vay người thân, bạn bè để trả hằng tháng. “Thất nghiệp gần 3 tháng, tháng nào cũng phải trả góp cho cửa hàng điện thoại 3 triệu đồng, tôi phải vay mượn nhiều người. Tháng 5 vừa qua, tôi mới tìm được việc làm mới. Với mức thu nhập như hiện nay, trừ chi tiêu dự kiến đến hết năm 2024 tôi mới có thể trả hết nợ do mua sắm, lên đời điện thoại”, anh X. cho hay.

Quản lý chi tiêu hợp lý

shiper.jpg
Thói quen mua sắm quá đà ở nhiều người trẻ hiện nay đang khá phổ biến. Trong ảnh: Nhân viên giao hàng gửi đồ cho khách tại khu dân cư (ảnh minh họa)

Chị Phạm Thị Mai ở phố Nguyễn Trọng Thuật (TP Hải Dương) là kế toán của một công ty xuất nhập khẩu. Thu nhập ổn định nhưng chị Mai cũng không ít lần khổ sở vì thói quen mua sắm quá đà của mình. Gần đây do gia đình chị gặp sự cố, cần hỗ trợ tài chính, chị mới giật mình nhận ra bấy lâu nay bản thân đã chi tiêu quá nhiều cho việc mua sắm mà không có tích lũy. Chị Mai quyết tâm thay đổi thói quen mua sắm. Căn cứ vào thu nhập hằng tháng, chị lên kế hoạch chi tiêu cụ thể. Ngoài dành một khoản nhất định cho chi phí sinh hoạt hằng ngày, số tiền còn lại chị Mai gửi vào tài khoản tiết kiệm. Chị Mai cũng xóa một số ứng dụng mua sắm trên điện thoại cá nhân như Shopee, Lazada; bỏ theo dõi các trang bán hàng trên Facebook, hạn chế lướt điện thoại, xem livestream bán hàng. “Từ khi có kế hoạch chi tiêu hợp lý, hạn chế xem livestream bán hàng, thói quen nghiện mua sắm của tôi giảm hẳn. Tôi đã có tiền tiết kiệm, tích lũy”, chị Mai nói.

Là người thích mua sắm nhưng chị Nguyễn Thị Hương Giang ở khu chung cư CT2 Tuệ Tĩnh, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) luôn làm chủ tài chính của mình. Hằng tháng, chị đều lên kế hoạch chi tiêu cụ thể cho từng việc, số tiền còn lại chị chuyển vào tài khoản tiết kiệm. Nhờ biết chia nhỏ thu nhập ra cho từng việc, chị Hương Giang luôn có tiết kiệm tích lũy.

Thói quen mua sắm quá đà ở nhiều người trẻ hiện nay đang khá phổ biến. Không ít người có thu nhập thấp, thu nhập không ổn định, thậm chí không có thu nhập nhưng vì thích mua sắm nên đã rơi vào nợ nần. Cũng có không ít người phải vay nợ với lãi suất cao để trả nợ do nghiện mua sắm.

Để không rơi vào cảnh nợ nần vì thói quen này, mỗi người hãy tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính, có ý thức chi tiêu, tiết kiệm. Trước khi mua sắm bất cứ món đồ gì nên cân nhắc sản phẩm đó, vật dụng đấy có thật sự cần thiết hay không và cần thường xuyên kiểm tra tài khoản, ví tiền trước khi đặt mua kẻo mắc nợ vì "vung tay quá trán".

Theo thông tin Cục thi hành án dân sự tỉnh cung cấp từ năm 2020 đến nay, đơn vị này đã nhận ủy thác thi hành án hàng trăm hồ sơ liên quan đến vay nợ tín chấp tiêu dùng. Hầu hết người phải thi hành án đều ở độ tuổi thanh niên, không có việc làm ổn định, không có tài sản nhưng đã vay tín chấp.

TRƯƠNG HÀ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghiện mua sắm, nhiều người trẻ rơi vào nợ nần