Mua sắm

Hải sản tươi rói vẫn ế, bà nội trợ đua nhau săn mua hàng ngộp chết

VN (theo Vietnamnet) 21/07/2024 17:49

Trên thị trường, không ít chủ hàng than các loại hải sản tươi rói vẫn ế ẩm, trong khi hàng yếu và ngộp chết lại được các bà nội trợ đua nhau săn mua.

Nghe có vẻ ngược và khó hiểu, thế nhưng với chị Đỗ Thị Hải Yến (ở Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội) lại là chuyện hết sức bình thường. Một tháng 2-3 lần chị đi săn mua các loại tôm hùm, cua hoàng đế nhập khẩu ngộp hoặc yếu, thậm chí mua cả hàng “thương binh”. Nguyên nhân là bởi giá rẻ chỉ bằng một nửa so với hàng tươi sống.

Chị dẫn chứng, để thưởng thức món cua hoàng đế hấp, nếu mua cua còn sống chị phải chi khoảng 2,3 triệu đồng/kg. Một con cua loại này trọng lượng từ 2-4kg, hiện tại giá trị lên đến 4,6-9,2 triệu đồng. Ở giai đoạn kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm thì không phù hợp với “túi tiền đi chợ” của gia đình mình. Trong khi đó, hàng ngộp chết nếu săn mua được giá chỉ khoảng 1 triệu đồng/kg.

Tương tự, các loại tôm hùm bông, tôm hùm nhập khẩu giá của hàng yếu, ngộp cũng chỉ bằng một nửa so với hàng tươi sống đang bơi.

tôm hùm
Tôm hùm ngất, ngộp giá rẻ được nhiều người săn mua

“Chất lượng thịt của hải sản yếu, ngộp chết thì không thể ngon được như hàng đang bơi trong bể. Song, so với mức giá thì rất hời cho người mua”, chị chia sẻ. Thế nên, chị hay đi săn hải sản loại này ở các cửa hàng.

Cách đây 2 hôm, chị săn được một con tôm hùm Alaska ngất trọng lượng 2kg, chủ hàng chỉ bán với giá 500.000 đồng/kg. Tính ra, con tôm này rẻ hơn được 1,1 triệu đồng so với hàng tươi sống. Nhận hàng, phần đuôi chị đem nướng phô mai, phần đầu và càng cho vào hấp. Tôm vừa ngất được vớt ra khỏi bể nên thịt rất chất lượng, không bị bở.

Anh Phạm Văn Tuyến (chủ một cửa hàng hải sản ở Hoàng Mai, Hà Nội), thừa nhận, ngày nào cũng có tôm, cua yếu và ngộp chết. Thế nhưng, mặt hàng này lại “đắt như tôm tươi”, các chị em nội trợ đua nhau săn mua nên chỉ đăng bán sau vài phút là hết sạch.

“Hải sản tươi sống cũng đắt hàng như vậy thì tốt”, anh nói. Theo anh Tuyến, mấy năm gần đây ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh tế khó khăn khiến thu nhập người dân giảm mạnh nên các gia đình cắt giảm chi tiêu. Lượng hải sản bán ra mỗi tháng cũng sụt giảm mạnh so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 nổ ra.

Xét về doanh thu thì hiện nay giảm chỉ còn khoảng 40-50% so với trước kia. Anh Tuyến nhớ lại, vào những mùa EURO trước, khách xem bóng đá đặt tôm, cua ăn nhậu rất nhiều. Khi đó, đêm muộn bếp ở cửa hàng hải sản của anh vẫn sáng đèn vì nhân viên tất bật chế biến tôm, cua thành các món để giao cho khách.

Mùa EURO này, gần như không có khách đặt lúc nửa đêm. Tôm hùm bông, tôm hùm nhập khẩu giá giảm mạnh vẫn ế ẩm. Tại cửa hàng, vẫn chỉ có hải sản ngộp chết, hoặc hàng “thương binh” là đắt khách mua.

Nhiều khách còn muốn đặt trước, song anh đều từ chối. Bởi, có hôm chỉ ngộp 1-2 con, có hôm thì 6-7 con không thể biết trước được. Chưa kể, rất nhiều người có nhu cầu mua vì giá rẻ nên khi nào có hàng anh sẽ đăng bán. Hàng cũng không ế bao giờ, anh Tuyến cho hay.

cua hoang de.jpg
Kinh tế khó khăn, lượng hải sản tươi sống các cửa hàng bán ra sụt giảm khá mạnh

Chị Trịnh Thị Loan (quản lý cửa hàng hải sản cao cấp ở Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, có những ngày nhập hàng, tôm cua sau quá trình vận chuyển số lượng ngộp chết lên đến hàng chục con. Hàng lại về lúc giữa đêm, sau khi kiểm đếm số lượng chị liền đăng bán online tôm và cua ngộp.

“Lúc đó cứ nghĩ sáng ra mới có khách mua. Ai ngờ, sau chưa đầy nửa tiếng toàn bộ số tôm, cua này đều được khách chốt mua hết sạch”. Chị nói và cho biết, tổng trọng lượng hàng ngộp lần đó lên tới gần 60kg mà “cháy hàng” chỉ trong nửa tiếng rao bán. Ngược lại, hải sản tươi sống đăng cả ngày cũng chưa bán nổi số lượng như vậy.

Có hôm chị đăng bán 1 con cua hoàng đế trọng lượng gần 4kg là hàng ngộp với giá 1,05 triệu đồng/kg. Sau 10 phút, chị vào xem tin nhắn trên zalo thấy cả chục khách hỏi mua. Những lúc như thế, chị sẽ ưu tiên bán cho khách đặt mua đầu tiên, chị Loan cho hay.

Tại các chợ hải sản online, một số mặt hàng cao cấp như tôm hùm Úc, tôm hùm bông, cua hoàng đế, tôm hùm Alaska, ốc vòi voi Canada… hàng yếu, ngộp hay gãy càng luôn là đối tượng được người mua săn lùng. Giá bán của loại hàng này dao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg tuỳ loại, rẻ bằng một nửa so với hàng tươi sống đang bơi.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, nước ta đã chi 1,2 tỷ USD để nhập khẩu các loại thuỷ sản, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành cho biết, lượng hải sản nhập khẩu về được doanh nghiệp đưa vào chế biến, còn phần lớn tôm, cua, cá, ốc… được đưa ra thị trường tiêu thụ. Song, do kinh tế khó khăn, sức mua suy giảm nên lượng hàng nhập về cũng giảm theo.

VN (theo Vietnamnet)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải sản tươi rói vẫn ế, bà nội trợ đua nhau săn mua hàng ngộp chết
    ss