Khám phá

Khi người trẻ vẽ bình yên trên gốm

SV NHÂN VĂN 05/01/2024 07:15

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, làm gốm cũng đã trở thành một phương pháp chữa lành mới của giới trẻ Việt Nam. Xưởng gốm Bát Tràng là một trong những địa điểm thường được các bạn trẻ lựa chọn.

Làng gốm mang hồn Việt

Nghề làm gốm trên đất Việt không hiếm, nhưng lâu đời và nổi tiếng nhất, chỉ có làng gốm Bát Tràng. Làng gốm Bát Tràng nằm tại 2 thôn Bát Tràng và Giao Cao thuộc vùng tả ngạn sông Hồng, nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 15km về phía Đông Nam, Bát Tràng là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích làm gốm và muốn tìm hiểu về nghề truyền thống này. Khách thập phương khi tới làng gốm Bát Tràng, ngoài ngắm những sản phẩm gốm sứ nơi đây, còn có thể được tự tay nhào nặn ra những chiếc chén, tô, đĩa, bình… từ đất sét cao lanh.

image003.jpg
Những năm gần đây, nghề "làm gốm" cổ xưa đang dần trở thành một thú vui tao nhã của người trẻ

Những năm gần đây, nghề "làm gốm" cổ xưa đang dần trở thành một thú vui tao nhã của nhiều người trẻ. Không chỉ là cách để thả lỏng tinh thần, phát huy khả năng sáng tạo, làm gốm còn giúp những người trẻ hiện đại tiếp xúc, gắn bó với nền văn hóa, nghệ thuật đậm chất Việt Nam. Đây là một hoạt động đang được nhiều người trẻ lựa chọn, để tìm lại bình yên trong cuộc sống ồn ào.

image005.jpg
Nghệ nhân gốm Phạm Ngọc Huy - người “giữ lửa” gốm Bát Tràng đã có hơn 50 năm làm nghề

Nghệ nhân Phạm Ngọc Huy - người “giữ lửa” gốm Bát Tràng cho biết: “Điều quan trọng nhất khi làm gốm đó là sự tỉ mỉ, kiên trì và cẩn thận. Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ cứ thích đến cái chỗ của mấy ông mấy bà lão già chúng tôi làm nghề này để thăm thú và trải nghiệm”. Ông nhận thấy ngày càng có nhiều hơn các bạn trẻ đam mê tìm hiểu văn hoá truyền thống tại làng gốm Bát Tràng và hơn nữa là tới đây để tìm bình yên, rời xa cuộc sống xô bồ.

Trải nghiệm “biến đất thành vàng”

Để đến với làng gốm, du khách có nhiều lựa chọn phương tiện di chuyển. Thích tự do và khám phá, bạn có thể đi bằng xe máy. Muốn tiết kiệm và thân thiện với môi trường, bạn có thể đi bằng xe buýt công cộng. Muốn nhanh chóng và tiện lợi, bạn có thể đi taxi. Không có lựa chọn nào là tốt nhất, tuỳ thuộc vào sở thích cá nhân, phương tiện nào cũng được, bởi đến được Bát Tràng thì dễ, cái khó nằm ở lúc trải nghiệm xong sẽ khó quên.

Một địa điểm hoàn toàn mới mà gần đây giới trẻ lựa chọn trải nghiệm nặn gốm chính là Bàn Xoay Studio tọa lạc tại tầng G của Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt số 28 (thôn 5, làng cổ Gia Lâm Bát Tràng, Hà Nội). Bàn Xoay Studio là một không gian rộng rãi, được trang trí theo phong cách cổ điển, với nhiều bàn xoay, lò nung và các dụng cụ làm gốm. Được thành lập vào năm 2022, Bàn Xoay Studio đã thu hút được nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ muốn trải nghiệm làm gốm tại làng nghề nổi tiếng Bát Tràng.

image007.jpg
Các bạn trẻ tại Bàn Xoay Studio

Khi đến Bàn Xoay Studio, du khách có thể trải nghiệm “Tôi làm nghệ nhân” và tự tay tạo ra những sản phẩm gốm sứ theo ý thích của mình. Mức giá để tham gia trải nghiệm “Tôi làm nghệ nhân” là 70.000 đồng cho người lớn (trên 1m30) và 50.000 đồng cho trẻ em (dưới 1m30), chưa bao gồm cả công phủ bóng.

Từ những viên đất sét mềm mại, du khách sẽ được hướng dẫn cách tạo ra những tác phẩm gốm đẹp mắt và mang dấu ấn cá nhân. Đầu tiên, cũng quan trọng nhất chính là công đoạn nhào nặn và tạo hình đất sét trên bàn xoay, đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, khéo léo và sáng tạo. Ở công đoạn này, du khách phải đặc biệt chú ý điều chỉnh lực tay và tốc độ bàn xoay để tạo ra những chi tiết mong muốn. Bởi nếu lỡ tay, đất sét có thể nát ngay, hoặc bị méo mó, làm hỏng toàn bộ sản phẩm.

image009.jpg
Các bạn trẻ thích thú trải nghiệm làm gốm

Tiếp đó là trang trí sản phẩm. Du khách có thể sử dụng các dụng cụ như dao, lược, bút chì… để vẽ hoa văn, chữ viết hay hình ảnh lên bề mặt sản phẩm, hoàn toàn theo sở thích của mình.

Bước cuối cùng, sản phẩm gốm sẽ được đưa vào lò nung để tạo độ cứng và bóng cho sản phẩm. Quá trình nung kéo dài khoảng 30 phút, vậy mới đủ để hình thành những tác phẩm gốm.

Liệu pháp “chữa lành” tâm hồn

Trải nghiệm làm gốm tại Bát Tràng là một hành trình tuyệt vời để bước vào thế giới của những người nghệ nhân đầy tài năng và sáng tạo. Cảm giác được chạm tay vào những miếng đất, vẽ dần lên hình hài gốm sứ sẽ khiến cho người ta nhớ mãi. Lắng nghe tiếng nói của đất sét, thông qua đôi tay và tâm hồn, mỗi người sẽ được thể hiện ý tưởng và cảm xúc của mình trong từng tác phẩm. Mỗi một chiếc bát, chiếc chén ra đời đều chứa đựng một phần tâm hồn của chúng tôi.

Khi được nhìn ngắm lại thứ thành phẩm được tạo ra bởi chính đôi bàn tay vụng về của mình, những kỷ niệm và cảm xúc vẫn quấn quýt trong tâm trí chúng tôi. Sự hồi hộp, cảm giác tự do, sự thỏa mãn... tất cả trải nghiệm ấy trở nên thật tuyệt vời và đắt giá hơn bao giờ hết.

image013.jpg
Một người trẻ tham gia trải nghiệm làm gốm

Đối với giới trẻ, việc làm gốm không chỉ là khám phá một hình thức nghệ thuật, mà còn là một cách để họ thể hiện sự sáng tạo, khám phá bản thân, tìm hiểu và thể hiện cảm xúc của mình một cách tự do và an toàn. Thông qua việc tạo ra những sản phẩm từ bùn đất, họ không chỉ thêm hiểu biết mà còn khám phá ra khả năng tiềm ẩn trong tâm trí và tạo ra những kỷ niệm vô giá. Vì thế, nếu có thời gian, bạn hãy thử tới làng gốm Bát Tràng, tận hưởng niềm vui của việc làm ra những sản phẩm gốm độc đáo và đẹp mắt ở nơi đây.

SV NHÂN VĂN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi người trẻ vẽ bình yên trên gốm