Mạng xã hội phát triển kèm theo lối sống "phông bạt" của nhiều người trẻ khi họ thích phô trương, khoe khoang sự hào nhoáng giả tạo.
Lối sống này đặc biệt xuất hiện ở giới trẻ, khi họ không quá để tâm đến cuộc sống thực tại nhưng khi đăng hình ảnh hoặc video lên mạng xã hội phải thật lung linh, hoành tráng, để nhận được sự ngưỡng mộ và khen ngợi từ người khác.
Vào những dịp lễ hay sinh nhật, không có người tặng quà, chị T.T.D (29 tuổi) ở huyện Thanh Miện lại dùng nick Facebook phụ tự đặt hoa và quà gửi về cho chính mình. Kèm theo những món quà ấy là những lời chúc đầy tình cảm, yêu thương do chị tự soạn. Sau đó, chị chụp ảnh và đăng những món quà, lời chúc này lên mạng xã hội để khoe với bạn bè rằng được nhiều người quan tâm, tặng quà.
Lý do chị có hành động “tự biên, tự diễn" như vậy do thấy nhiều bạn bè cùng trang lứa liên tục khoe được người yêu, chồng quan tâm vào dịp lễ, khoe đi ăn ở những nhà hàng sang trọng, check-in ở những địa điểm nổi tiếng. Không được như các bạn, chị phải tự tìm cách động viên bản thân, để cũng có ảnh đăng Facebook. Nhận được những bình luận ngưỡng mộ, chúc mừng, ghen tị của mọi người sau mỗi bài đăng khiến chị cảm thấy vui và tiếp tục lặp lại hành động này.
Lối sống này xuất hiện bởi mạng xã hội đã tạo ra những tiêu chuẩn không có thực, dẫn đến việc nhiều người cảm thấy cuộc sống của mình không đủ thành công hoặc hạnh phúc bằng người khác. Hằng ngày, trên không gian mạng, luôn thấy cuộc sống sang chảnh, xinh đẹp, dùng đồ hiệu, đến những địa điểm nổi tiếng... của một số bạn trẻ. Chính những hình ảnh đó làm cho nhiều bạn tự so sánh mình với người khác, tìm mọi cách để được giống những người đó.
Tháng 4/2024, anh P.Đ.H. ở huyện Gia Lộc cùng một đoàn rước dâu đã dừng đỗ xe ô tô giữa đường để quay phim, chụp ảnh cưới tại khu vực nút giao quốc lộ 38B và đường trục Bắc - Nam tỉnh. Mục đích nhằm đánh bóng tên tuổi, tăng lượng người theo dõi, tương tác trên kênh bán hàng.
Tuy nhiên, việc đoàn xe rước dâu dàn hàng ba trên đường chụp ảnh đã khiến giao thông bị tắc nghẽn, ảnh hưởng đến các phương tiện khác.
Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lộc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội gây rối trật tự công cộng trong vụ đoàn rước dâu bằng xe sang dừng đỗ trên tuyến đường trục Bắc - Nam để chụp ảnh.
Lối sống “phông bạt" của giới trẻ đã tồn tại nhiều năm nay, cùng với sự phát triển của các mạng xã hội Facebook, Instagram, TikTok, Threads… Tuy nhiên, cụm từ này được nhắc đến nhiều hơn sau khi Ủy ban MTTQ Việt Nam đã công bố 12.028 trang sao kê liên quan đến số tiền quyên góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Được nhắc tên nhiều nhất có lẽ là cựu vận động viên P.N.P. với 1,2 triệu lượt theo dõi trên TikTok. Chị P. đã đăng tải bức ảnh sao kê với số tiền ủng hộ bị che khuất, chỉ để lộ nội dung "đóng góp và khắc phục hậu quả bão số 3 Yagi". Nhìn vào bức ảnh chị đăng tải, cư dân mạng nhanh chóng "soi" ra số tiền chị ủng hộ lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng theo sao kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam, số tiền ủng hộ dưới tên chị P.N.P. chỉ là 500.000 đồng.
Bị bóc trần vì lối sống “phông bạt”, chị N.P. không thừa nhận và nói rằng có người muốn hại chị, tên và nội dung chuyển khoản chỉ là trùng hợp. Chị nói mình đã chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác nhau của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Ở lần “check var” thứ hai, cộng đồng mạng phát hiện số tiền chị chuyển chỉ là 10.000 đồng.
Sau đó, cô gái này đã phải lên tiếng xin lỗi và thừa nhận "phông bạt" để điều hướng dư luận khi chuyển tiền ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục thiệt hại do thiên tai.
Cũng trong thời gian này, một ca sĩ trẻ xin lỗi và thừa nhận "fake màn hình" số tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt. Một MC truyền hình, nhà sáng tạo nội dung cũng phải lên tiếng xin lỗi 2 lần khi "khống" số tiền quyên góp từ thiện lên gấp 10.
Đây đều là những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng, được đông đảo người trẻ theo dõi. Vì vậy, lối sống này có ảnh hưởng rất nhiều đến thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên thường thần tượng một người nổi tiếng để học và làm theo.
Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn nghĩ đến việc bỏ học để trở thành TikToker và sống cuộc đời của người nổi tiếng. Không ít bạn sử dụng tiền của cha mẹ hay vay mượn để mua sắm, ăn uống đắt tiền phục vụ cho mục đích “phông bạt" của bản thân.
Và nhằm thoả mãn nhu cầu sống ảo, nhiều người trẻ có nhu cầu thuê những món đồ đắt đỏ như siêu xe, túi hiệu, chụp hình check-in, đăng tải lên trang cá nhân để khoe như tài sản của mình. Cũng từ đây, các dịch vụ cho thuê đồ hiệu xuất hiện, đáp ứng lối sống hào nhoáng giả tạo của giới trẻ. Chỉ cần gõ từ khóa “cho thuê đồ hiệu" trên mạng, không khó để tìm thấy những trang hội, nhóm liên quan đến đồ hiệu authentic, luxury xuất hiện.
Từ những đôi giày, chiếc túi của các thương hiệu lớn như Dior, Chanel, Louis Vuitton hay thậm chí những chiếc ô tô sang trọng đều có thể được thuê, tạo điều kiện cho nhiều người duy trì thói quen sống ảo.
Với sự ảnh hưởng của mạng xã hội, lối sống "phông bạt" rất dễ tạo ra một thế hệ người trẻ có cái nhìn lệch lạc về giá trị cuộc sống, coi trọng giá trị vật chất.
“Khoe nhau nhiều tiền hơn để làm gì, bây giờ phải khoe cứu được bao nhiêu người. Dân chơi giờ vẫn còn khoe cái xe, cái túi, lỗi thời rồi”, câu nói của nam ca sĩ Hà Anh Tuấn trong một chương trình lại trở nên nổi tiếng giữa trào lưu “phông bạt" thời gian qua, như một lời nhắc nhở về lối sống cho nhiều bạn trẻ.
Theo đuổi những mục tiêu thực tế
Để thoát khỏi lối sống "phông bạt", giới trẻ cần nhận thức và chấp nhận giá trị thật của bản thân trong bất kỳ hoàn cảnh nào mà không phụ thuộc vào vật chất bên ngoài. Việc xây dựng hệ thống giá trị bền vững từ bên trong sẽ tạo nội lực vững chắc, mức độ cảm nhận hạnh phúc tăng cao giúp giảm thiểu nhu cầu phải thể hiện bản thân để nhận sự công nhận từ người khác. Thay vì tìm kiếm sự công nhận qua hình ảnh hào nhoáng trên mạng ảo, hãy tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ chất lượng. Xác định và theo đuổi các mục tiêu thực tế, có ý nghĩa thực sự, thay vì cố gắng đạt được một hình ảnh lý tưởng chỉ để gây ấn tượng hay thu hút sự chú ý. Giảm thiểu sự phụ thuộc vào mạng xã hội như một nguồn động lực hoặc sự công nhận.
Vũ Thị Thu Trang
Giảng viên Tâm lý học, Trường Đại học Hải Dương
Tạo điều kiện để sinh viên phát triển, tránh ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội
Tôi thấy hiện nay các bạn trẻ dùng nhiều quỹ thời gian, năng lượng và cả tài chính để xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội. Các bạn lấy những tương tác trên mạng xã hội làm thước đo giá trị bản thân và người khác. Điều đó sẽ dẫn đến lối sống lệch lạc, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cuộc sống của các bạn.
Với vai trò là người bạn đồng hành của sinh viên trong tất cả các lĩnh vực, thời gian qua tổ chức Đoàn, Hội luôn tạo điều kiện để thúc đẩy sinh viên hướng tới điều tốt đẹp, tránh xa tiêu cực trên mạng xã hội bằng các hoạt động thực tế của câu lạc bộ, trải nghiệm, văn hóa, thể thao. Đồng thời tạo môi trường để các bạn thỏa sức sáng tạo, thể hiện bản thân.
Vũ Quang Ngọc
Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ
"Của cho không bằng cách cho"
Mình nghĩ khi đã làm từ thiện thì cái tâm và sự minh bạch được đặt lên hàng đầu. Vì người xưa đã có câu “của cho không bằng cách cho”. Chúng ta giúp đỡ người khác phải thể hiện được sự chân thành và tôn trọng đối với người nhận, không chỉ đơn thuần là việc quyên góp vật chất.
Sự phô trương trên mạng xã hội khiến lòng tốt của nhiều người bị nghi ngờ, còn những người sống "phông bạt" lại nhận được sự chú ý, tán dương từ cộng đồng.
Những lùm xùm liên quan đến việc “phông bạt” tiền từ thiện sau bão số 3 là một hồi chuông cảnh tỉnh, để bản thân mình nhìn nhận đúng đắn hơn về cách làm từ thiện và hình ảnh của những người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Lê Thành Trung
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương