Khắp nơi vui Tết Trung thu

10/09/2022 05:45

Không khí rộn ràng, vui tươi của Tết Trung thu đã len lỏi từ trung tâm thành thị sầm uất về tới những đường làng, ngõ xóm của mỗi vùng quê ở Hải Dương.


Nhiều đồ chơi Trung thu rực rỡ sắc màu thu hút trẻ em

Múa lân rộn rã phố phường

2 năm liên tiếp không được vui Tết Trung thu vì dịch Covid-19, năm nay, trẻ em trong tỉnh háo hức chờ đón sự kiện này khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Tết Trung thu năm nay vì thế cũng đến sớm hơn mọi năm. Cách đây hơn 20 ngày, Bảo tàng tỉnh đã lần đầu tiên khởi động chương trình trải nghiệm “Lấp lánh ánh sao đêm rằm” nhằm giới thiệu, hướng dẫn trẻ cách làm ra một chiếc đèn Trung thu truyền thống. Chương trình thu hút rất đông trẻ em tham gia, tạo sân chơi lành mạnh và giúp trẻ cảm nhận được bầu không khí của Tết Trung thu đang đến gần.

TP Hải Dương đã tưng bừng không khí vui Tết Trung thu từ nhiều ngày nay. Các cửa hàng trên nhiều tuyến phố bày bán la liệt những mặt hàng rực rỡ sắc màu được trẻ yêu thích vào dịp này như đèn ông sao, đèn lồng, trống quân, đầu lân, mặt nạ… Hàng chục đội múa lân diễu hành biểu diễn rộn rã trên khắp các tuyến phố trung tâm. Tiếng trống, thanh la vang dội hoà quyện cùng những động tác biểu diễn uyển chuyển nhưng cũng không kém phần dứt khoát, mạnh mẽ của những “chú lân” đã lôi cuốn rất đông trẻ nhỏ và cả người lớn quây quần đứng xem. Chị Vũ Thị Thuỷ ở khu 15, phường Ngọc Châu đưa hai con nhỏ đi mua quà và xem biểu diễn múa lân trên phố Trần Hưng Đạo chia sẻ: “Các cháu nhà tôi rất phấn khích khi có rất nhiều hoạt động được tổ chức trong dịp này. Người lớn chúng tôi cũng như được sống lại kỷ niệm về một thuở ấu thơ”.


Một đội biểu diễn múa lân trên phố Nhà Thờ (TP Hải Dương)

Nhiều cơ quan, doanh nghiệp cũng đã tổ chức chương trình vui Tết Trung thu cho con cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị với nhiều hoạt động vui nhộn. Hầu hết các trường tiểu học, mầm non cũng đã và đang tổ chức sự kiện này. Trẻ được tham gia vào các trò chơi truyền thống, bốc thăm trả lời câu hỏi để nhận quà. Những phần quà dù chỉ là chiếc bánh Trung thu, gói kẹo… nhưng chất chứa tình cảm, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, yêu thương của cộng đồng dành cho trẻ em.

Đêm hội khuấy động làng quê

Tại nhiều vùng quê trong tỉnh, không khí vui Tết Trung thu cũng nhộn nhịp không kém. Không khó để bắt gặp hình ảnh cả xóm chung tay dựng rạp, tổ chức liên hoan và nhiều hoạt động vui nhộn cho trẻ trong dịp này. Những chiếc đèn ông sao “khổng lồ” lấp lánh ánh điện nhiều màu do người lớn tự làm dành cho trẻ em được trang hoàng trước cổng làng, ngõ xóm. Đêm hội trăng rằm được hầu khắp các địa phương tổ chức dịp này. 

Tối 6.9, chương trình Đêm hội trăng rằm “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Hải Dương” do Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức tại xã Lê Hồng (Thanh Miện) đã khuấy động cả một vùng quê. Chương trình gây ấn tượng khi có hàng loạt tiết mục văn nghệ sôi động, hấp dẫn, được đầu tư công phu, thu hút khoảng 2.000 thanh thiếu nhi. “Tôi năm nay hơn 70 tuổi rồi nhưng chưa bao giờ thấy quê mình lại có một chương trình vui Tết Trung thu lớn như vậy. Những chương trình như này cần được đưa nhiều hơn về vùng nông thôn để trẻ em được quan tâm toàn diện và công bằng hơn”, một người dân xã Lê Hồng nói.


Một "ông tiến sĩ" vừa được người dân thôn An Đông, xã An Bình (Nam Sách) hoàn thiện để kịp đón Tết Trung thu

Nhiều phong tục dịp Tết Trung thu mang đậm giá trị văn hoá truyền thống được người dân một số nơi ở Hải Dương gìn giữ và phát huy. Năm nào cũng thế, cứ vào dịp này là các thôn ở xã An Bình (Nam Sách) lại làm “ông tiến sĩ” giấy để đón Tết Trung thu. Những “ông tiến sĩ” làm bằng khung sắt hoặc tre cao 2,5-2,7 m, rộng 1,2-1,5 m được trang trí lộng lẫy. Lũ trẻ hào hứng, quấn quýt đứng vây quanh xem người lớn thao tác. “Vào tối 14 hoặc 15.8 âm lịch, các xóm sẽ rước "ông tiến sĩ" tới sân nhà văn hoá để tham dự đêm hội trăng rằm. Đoàn rước đi theo từng khối, rất đông, âm thanh của tiếng nhạc, tiếng trống, thanh la... bầu không khí rất rộn rã, vui tươi”, chị Lê Thị Tiến Tâm, công chức văn hoá - xã hội xã An Bình chia sẻ.

Đêm hội trăng rằm ở Hải Dương giờ không chỉ được diễn ra theo quy mô xã, thôn, xóm mà còn được tổ chức ở cả dòng họ. Ngày 28.8, gia tộc họ Tiêu ở thị trấn Tứ Kỳ đã tổ chức chương trình Đêm hội trăng rằm và khen thưởng năm học 2021-2022. Năng khiếu của trẻ được khơi dậy trong đêm hội qua những tiết mục văn nghệ, kể chuyện. Các cháu được nghe kể về sự tích chú Cuội, chị Hằng, trông trăng, phá cỗ và sống trong sự quan tâm, yêu thương của người lớn…

Dịp này, những trẻ em hoàn cảnh khó khăn đều được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm đặc biệt. Hàng trăm trẻ em vượt khó học giỏi được tặng học bổng, xe đạp và những phần quà có giá trị... Tất cả đã thể hiện tình cảm, sự quan tâm của toàn xã hội dành cho những chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.

Theo một số chủ cửa hàng bán đồ chơi ở TP Hải Dương, hiện nay mỗi ngày, các cửa hàng này đón từ 25-30 lượt khách tới mua sắm. Các mặt hàng đồ chơi Trung thu đa dạng về mẫu mã, chất liệu. Giá đèn ông sao từ 15.000-35.000 đồng/chiếc, trống cơm từ 20.000-100.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ, đèn lồng cách điệu phát nhạc từ 75.000-150.000 đồng/chiếc, đầu lân từ 100.000-300.000 đồng/chiếc tùy loại... Mức giá này tăng từ 10-15% so với năm ngoái (do cước vận chuyển tăng) và tương đương so với những năm chưa có dịch Covid-19. 

Theo đánh giá của một số chủ cửa hàng, hiện nay sức mua đã tăng từ 25-30% so với năm ngoái và tương đương với những mùa Trung thu chưa có dịch bệnh.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khắp nơi vui Tết Trung thu