Tàu tấn công đổ bộ TCG Anadolu đã được bàn giao cho Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ là tàu lớn nhất, soái hạm của nước này và cũng là tàu sân bay dành cho UAV chiến đấu đầu tiên trên thế giới.
Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/4 đã tổ chức lễ khánh thành soái hạm mới của họ, TCG Anadolu - hiện là tàu chiến lớn nhất của nước này. Buổi lễ được tổ chức khoảng ba tháng sau khi con tàu được bàn giao thực tế do trục trặc về lịch trình.
Anadolu được phân loại là tàu tấn công đổ bộ, nhưng các quan chức ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ có kế hoạch lớn để sử dụng con tàu này làm tàu sân bay cho các loại máy bay không người lái có vũ trang khác nhau.
Dựa trên thiết kế của tàu tấn công đổ bộ Juan Carlos I (Tây Ban Nha), soái hạm Anadolu được đặt lườn tại Nhà máy đóng tàu Sedef, Istanbul vào đầu năm 2018. Tàu được hạ thủy chỉ một năm sau đó và hoàn thành các thử nghiệm sơ bộ vào năm 2022.
Cũng trong buổi lễ được tổ chức tại Sedef, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lưu ý rằng 70% tàu Anadolu được chế tạo chỉ sử dụng các linh kiện sản xuất trong nước, bao gồm vũ khí, hệ thống chiến đấu, radar, khả năng tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại và bộ tác chiến điện tử.
"Con tàu này sẽ cho phép chúng tôi tiến hành các hoạt động quân sự và nhân đạo ở mọi nơi trên thế giới khi cần thiết", ông Erdogan nói. "Chúng tôi coi tàu Anadolu là một biểu tượng sẽ củng cố vị trí lãnh đạo khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ".
Tàu Anadolu có cấu hình boong đáp máy bay trực thăng (LHD) điển hình, với sàn đáp lớn ở phía trên và sàn giếng ở phía sau. Nó được dự định là nơi triển khai các lực lượng trong một cuộc tấn công đổ bộ bằng cách sử dụng máy bay trực thăng, tàu đổ bộ và cả xe bọc thép hạng nhẹ, hạng nặng. Ông Erdogan cũng nói về phạm vi năng lực bổ sung mà tàu Anadolu có thể cung cấp, bao gồm chỉ huy và kiểm soát, hỗ trợ y tế và cứu trợ nhân đạo.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh khả năng mang và triển khai nhiều loại máy bay không người lái có vũ trang của Anadolu, và đây là chức năng mà Ankara đã tính trước cho con tàu này từ lâu.
Kể từ khi tàu được đặt hàng vào năm 2015, Anadolu đã được phát triển để trở thành một con tàu đa năng độc đáo có thể tập trung vào các hoạt động của máy bay không người lái. Theo hướng này, nó về cơ bản sẽ hoạt động như một tàu sân bay hạng nhẹ dành cho máy bay không người lái chiến đấu.
Sự kết hợp của tất cả các khả năng này sẽ mang lại cho con tàu rất nhiều tính linh hoạt so với tàu cùng lớp.
Hồi tháng 2 năm nay, có thông tin cho rằng để thực hiện sự thay đổi trong đội hình bay của Anadolu, con tàu sẽ được cải tiến nhẹ cơ sở hạ tầng để hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động của máy bay không người lái.
Những cải tiến đó bao gồm việc lắp đặt các trạm điều khiển máy bay không người lái với các thiết bị đầu cuối vệ tinh để kết nối tầm xa hơn, lắp đặt 'hệ thống con lăn' ở mũi tàu để giúp phóng máy bay không người lái, bổ sung hệ thống bánh răng hãm trên boong để tạo điều kiện thuận lợi hạ cánh của phương tiện chiến đấu không người lái (UCAV) và mạng lưới an toàn để thu hồi các loại UAV nhỏ.
Theo số liệu do Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ công bố, Anadolu dài 231 mét, rộng 32 mét và có lượng choán nước 27.436 tấn. Tàu có tốc độ tối đa khoảng 21 hải lý/giờ khi đầy tải, có tầm hoạt động 9.000 hải lý và có thể hoạt động trên biển tới 90 ngày.
Một thông cáo báo chí do Bộ này công bố cũng lưu ý rằng Anadolu có thể mang theo một tiểu đoàn gồm 1.400 quân cùng với thủy thủ đoàn khoảng 400 thủy thủ.
Về năng lực của lực lượng mặt đất mà tàu có thể triển khai, thông cáo trên cho biết thêm rằng “13 xe tăng, 27 xe tấn công đổ bộ, sáu xe bọc thép chở quân, 33 xe bọc thép hạng nhẹ và hạng nặng và 15 xe kéo có thể vận chuyển trên tàu".
Anadolu cũng có thể mang theo tối đa sáu tàu đổ bộ các loại trong bến tàu của nó, điều này sẽ rất quan trọng trong việc vận chuyển các phương tiện mặt đất nói trên và quân đội lên bờ.
Các cuộc thảo luận về cánh máy bay của tàu Anadolu đã thu hút nhiều sự chú ý nhất. Con tàu có sàn đáp rộng gần 18.000 mét vuông, với sáu điểm hạ cánh cho máy bay trực thăng vận tải hạng trung, tấn công hoặc đa năng và thêm hai điểm cho các loại phương tiện vận tải hạng nặng.
Các phương tiện cánh quay tương thích với tàu bao gồm các loại như T129 ATAK và trực thăng tấn công AH-1W Super Cobra, cũng như trực thăng tác chiến chống ngầm SH-60B. Các loại máy bay trực thăng AS532 Cougars, S-70/UH-60 Black Hawks và CH-47F Chinooks có thể cung cấp hỗ trợ tiện ích hạng trung và hạng nặng.
Tổng thống Erdogan nói thêm rằng máy bay huấn luyện/máy bay chiến đấu hạng nhẹ TAI Hürjet cánh cố định cũng sẽ có thể cất cánh và hạ cánh trên tàu Anadolu. Theo các chuyên gia đây chắc chắn là một đề cập thú vị bởi việc triển khai này đòi hỏi yêu cầu lớn về đào tạo và thiết bị đi kèm.
Thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng soái hạm Anadolu “có thể triển khai 12 máy bay chiến đấu có người lái hoặc không người lái, 21 loại máy bay trực thăng khác nhau và UAV tấn công tùy thuộc vào hoạt động được thực hiện trong phạm vi khả năng vận chuyển của máy bay.”
Hiện tại, máy bay không người lái tấn công Bayraktar TB3 cánh gập - mới được thiết kế bởi nhà sản xuất máy bay không người lái Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ - dự kiến sẽ là loại UAV vũ trang chính của tàu Anadolu. TB3 là biến thể phát triển dành cho hải quân của máy bay không người lái TB2 đã được chứng minh năng lực qua chiến đấu, đặc biệt trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. TB3 đang được thiết kế đặc biệt với khả năng cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ có đường băng ngắn.
Baykar đã công bố những hình ảnh đầu tiên của TB3 vào cuối tháng 3 này, tiết lộ rằng máy bay không người lái này sẽ chính thức được ra mắt trong triển lãm công nghệ TEKNOFEST 2023 của Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến diễn ra tại Sân bay Atatürk của Istanbul từ ngày 27.4 đến 1.5. TB3 vẫn chưa xuất hiện trên bầu trời trong bất kỳ sự kiện công khai nào, nhưng công ty nói rằng chuyến bay thử nghiệm sẽ bắt đầu trong năm nay.
Máy bay không người lái chạy bằng động cơ phản lực Kizilelma của Baykar cũng được dự định là một phần trong cánh không quân của chiến hạm Anadolu vì máy bay này được thiết kế để cất cánh từ các tàu sân bay đường băng ngắn. Mặc dù loại này vẫn còn ở giai đoạn đầu trong quá trình phát triển và mới chỉ bay lần đầu vào tháng 12 năm ngoái, nhưng công ty đang xác định cụ thể nó là UCAV chiến đấu đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ.
Baykar đã tuyên bố rằng Kizilelma sẽ có thời gian hoạt động từ 5 đến 6 giờ, bán kính chiến đấu 500 hải lý, trần bay 10.600 mét và tốc độ tối đa gần Mach 1. Trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay không người lái là 6.000kg, bao gồm trọng tải 1.500kg. Kizilelma đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái.
Giới quan sát nhận định sẽ rất thú vị để xem con tàu với không gian boong hạn chế này sẽ vận hành các loại máy bay khác nhau như thế nào trong điều kiện thực tế, đặc biệt là với các máy bay không người lái phản lực nhanh, đòi hỏi hệ thống thiết bị hãm để hạ cánh và có lẽ là toàn bộ boong để cất cánh.
Theo Báo Tin tức