Đền thờ vua Quang Trung trên đỉnh núi Dũng Quyết hội tụ đủ tứ linh (Long - Lân - Quy - Phụng), đây cũng là nơi từng được chọn để đóng đô của vị anh hùng áo vải.
Sử sách ghi lại, sau đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, Hoàng đế Quang Trung chọn đất đóng đô cho vương triều mới ở vùng đất giữa núi Dũng Quyết và Kỳ Lân. Vua trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ đá, gạch ngói để xây dựng cung phủ, đắp thành đất xung quanh và sai quân lính đào đá ong tại địa phương để xây thành nội, thành ngoại và điện Thái Hòa – nơi Hoàng đế Quang Trung thiết triều, lấy tên Phượng Hoàng Trung Đô.
Khi Phượng Hoàng Trung Đô vừa xây xong, kế hoạch dời đô từ Phú Xuân (Huế) ra Vinh (Nghệ An) còn dang dở thì vua Quang Trung đột ngột băng hà. Vua Quang Toản sau đó nối ngôi cha, nhưng không giữ được ngai vàng. Hiện kinh đô này chỉ còn lại vài dấu tích.
Bước chân vào khu vực đền là nghi môn tứ trụ, gồm 1 cổng lớn và 2 cổng nhỏ đối xứng ở hai bên; cổng lớn được bố trí 2 tầng 8 mái bằng gỗ lim kiểu chồng diêm, cả 3 cổng đều được lợp ngói mũi hài, ở cổng chính hai bên có 2 thần hộ pháp canh giữ đền. Tiếp đó là tấm bình phong tứ trụ được làm bằng đá Thanh Hóa có chạm khắc hoa văn.
Cách cổng chính khoảng 10m, hai bên khu vực ra vào là hàng chục bức tượng thần hộ pháp, với hàm ý để canh giữ đền.
Nối tiếp là nhà tả vu và hữu vu gồm 3 gian, 2 chái làm bằng gỗ lim. Nhà hữu vu là nhà đón tiếp đại biểu và các đoàn khách về viếng thăm.
Nhà tả vu là phòng trưng bày các tư liệu hiện vật liên quan cuộc đời hoạt động của Hoàng đế Quang Trung và Triều đại Tây Sơn.
Nhà hạ điện, trung điện, thượng điện được xem là trung tâm của toàn bộ ngôi đền, được thiết kế theo hình chữ Tam, cao dần lên. Cả ba nhà đều được làm bằng gỗ lim, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn.
Nhà thượng điện là nơi thờ vua Quang Trung và thân phụ Hồ Phi Phúc, thân mẫu Nguyễn Thị Đồng. Phía bên tả là bàn thờ Tứ phủ công đồng và Tam tòa Thánh mẫu. Phía bên hữu là gian thờ Trấn thủ Nghệ An thời Tây Sơn Nguyễn Thận.
Hàng năm, đền thờ Hoàng đế Quang Trung có 2 ngày lễ lớn đó là: Ngày 29 tháng 7 âm lịch – ngày giỗ của Hoàng đế Quang Trung, và ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch - ngày Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Với mục đích lưu giữ lại những mốc lịch sử có ý nghĩa to lớn ấy, quần thể di tích danh thắng núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô đã được Bộ Văn hoá và Thể thao công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia.
Theo VTC News