Tỉnh Nghệ An thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Trên cơ sở đó, tỉnh đề xuất giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Thêm hai Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ban hành các quyết định công bố Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 36 di sản. Trong số này, Nghệ An có hai di sản gồm: Lễ hội đền Yên Lương (thị xã Cửa Lò) và Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan (huyện Đô Lương).
Lễ hội đền Yên Lương hay còn gọi là Lễ hội “Phúc Lục Ngoạt”, diễn ra dịp trung tuần tháng 6 âm lịch, gắn với di tích đền Yên Lương ở phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò. Lễ hội được tổ chức 3 năm/lần vào năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu trong ba ngày 14, 15, 16 tháng 6 (âm lịch). Đây là một trong những lễ hội truyền thống quy mô lớn nhất và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Nghệ, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương về tham dự.
Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan ở xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và các vị nhân thần của dòng họ Nguyễn Cảnh.
Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan sinh năm Tân Tỵ 1521, là người thông minh trí dũng, văn võ song toàn, một lòng yêu nước thương dân. Sinh ra và lớn lên vào thời kỳ đất nước loạn lạc, ông trở thành dũng tướng của nhà Lê và lập nhiều công lao khi chinh chiến với quân nhà Mạc.
Năm 1576, trên đường hành quân về Thanh Hóa, ông bị thuộc tướng của mình phản bội, chỉ điểm cho quân nhà Mạc mai phục bắt sống. Dụ dỗ mãi không được, kẻ thù đã hãm hại ông trong ngục. Ngày 16 tháng 9 năm Bính Tý 1576, ông qua đời, thọ 57 tuổi.
Để tỏ lòng kính trọng và thương tiếc ông, Vua Lê cho tổ chức Lễ Quốc tang. Năm 1602, Triều đình truy tặng ông 8 chữ "Hùng Nghị Khuông Tế Trạch Dân Đại Vương". Đồng thời, Nhà Vua sai Quốc Sư Chính Hòa đưa hài cốt cát táng tại xứ Chọ Mây trong dãy núi Cấm và xây dựng ngôi đền thờ lớn trên bờ Lam giang thuộc xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương để nhân dân hương khói phụng thờ.
Năm Giáp Thìn 1664, triều đình quyết định hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng 3 âm lịch tổ chức lễ hội tại đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, cứ 10 năm tức là đến năm Giáp tổ chức đại lễ gọi là Thập niên đại lễ hội. Đại lễ hội đầu tiên tổ chức năm 1664 đến nay được 350 năm. Mục đích của lễ hội là phát huy truyền thống "trung, cần, nhân, nghĩa, bảo quốc hộ dân" của ông cha, tổ tiên. Nội dung được thể hiện bằng sinh hoạt văn hóa mang đậm sắc thái dân tộc như lễ rước, lễ dâng cỗ chay lên bàn thờ tổ tiên, đêm văn hóa hát các làn điệu dân ca xứ Nghệ, trò chơi truyền thống của địa phương.
Với việc Lễ hội đền Yên Lương và Lễ hội đền Nguyễn Cảnh Hoan được vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, đến nay, Nghệ An có 9 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bảy di sản của tỉnh được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia qua các đợt công bố trước đó, gồm: Lễ hội đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), Lễ hội đền Quả (huyện Đô Lương), Lễ hội đền Chín Gian (huyện Quế Phong), Lễ hội đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương), Lễ hội đền Thanh Liệt, Lễ hội đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên), Nghi lễ Xăng Khan của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An.
Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Thống kê từ Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, đến nay, toàn tỉnh thực hiện kiểm kê được 463 di sản với đầy đủ 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể giàu bản sắc, có độ phân bố rộng khắp và có giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu cho sáu dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu ở Nghệ An. Trong đó, di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hiện nay, những giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống đang hiện diện trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An. Mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng của mỗi dân tộc. Đây chính là tiềm năng để phát triển văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để di sản văn hóa phi vật thể lan tỏa trong cộng đồng, Nghệ An rất chú trọng, quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và đã đạt được thành tựu đáng trân trọng.
Tuy nhiên, tỉnh còn nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế. Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người cần đầu tư, bố trí cho lĩnh vực này còn khó khăn.
Ông Bùi Công Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản trên địa bàn tỉnh luôn được phía chính quyền các địa phương phối hợp với ngành văn hóa và thể thao, nhân dân làm tốt việc huy động nguồn lực xã hội cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; quản lý tốt hoạt động lễ hội, phong tục, tập quán, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian. Vì vậy, có nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn của Nhà nước và nguồn xã hội hóa.
Thực tế cho thấy, lĩnh vực văn hóa phi vật thể của người dân vùng biển hay đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị. Các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống đẹp của người dân đã và đang được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, bảo vệ. Nhiều công trình, đề tài khoa học được đầu tư nghiên cứu, đề ra giải pháp có tính thực tiễn như bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; tôn vinh, tạo điều kiện cho nghệ nhân bảo lưu, thực hành, truyền dạy di sản.
Ngành Văn hóa và Thể thao tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, làm cho văn hóa xứ Nghệ thêm lan tỏa, mở rộng hội nhập trong nước và quốc tế.
Ngành phối hợp với ngành Du lịch kết nối di sản văn hóa phi vật thể trong các tour du lịch cộng đồng, đưa di sản văn hóa phi vật thể trở thành sản phẩm hàng hóa nhằm quảng bá du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo báo Tin tức