Cặp đôi đến TP Đà Nẵng ngày 31.3, sau ba chuyến bay quá cảnh. Họ dành gần 10 ngày ở Việt Nam cho tuần trăng mật và giờ đang ở Hạ Long, Quảng Ninh. Họ chia sẻ đã đặt chuyến đi Việt Nam cách đây 2 năm, song phải hủy vì Covid-19. Dù nhiều nước trong khu vực đã mở cửa trước, họ vẫn quyết định đợi vì biết Việt Nam là nơi nổi tiếng cho những cặp vợ chồng mới cưới nghỉ tuần trăng mật, hay những dịp trọng đại trong đời.
"Khi chúng tôi nói sẽ tới Việt Nam thì bạn bè đều bày tỏ sự hào hứng. Họ muốn nghe về chuyến đi khi chúng tôi trở về. Vì người Mexico biết Việt Nam là đất nước với khung cảnh tuyệt đẹp, đủ núi, biển và phong cách sống khác chúng tôi", Sofia chia sẻ.
Trong những ngày qua, điều họ ấn tượng nhất ở Việt Nam là sự mến khách, từ cách chào đón của người Đà Nẵng đến sự phục vụ của khu nghỉ dưỡng Hội An. "Chúng tôi thấy người Việt Nam luôn tôn trọng, cố gắng để hiểu khách quốc tế. Điều này thật khác biệt và đáng trân trọng", họ nói.
Vì sự mến khách của người dân, cặp đôi luôn có cảm giác an toàn. Họ có thể đeo trang sức, tiền để đi ra ngoài, thậm chí đi bộ một mình giữa đêm, điều không nên làm ở Mexico.
Trước khi du lịch, họ từng xem nhiều bộ phim về Việt Nam thời xưa với những cánh đồng bạt ngàn, không ôtô, người dân thồ đồ đạc bằng lừa. Vì thế cảnh quan TP Đà Nẵng khiến họ bất ngờ với đường phố hiện đại, đặc biệt không có rác thải. Cặp đôi sau đó thăm Bà Nà Hills, tự hỏi làm sao để người dân có thể xây một công trình đồ sộ, hiện đại trên đỉnh núi.
Điểm khác hai vợ chồng yêu thích khi ở Việt Nam đó là giá rẻ. Những ngày ở Hội An, Quảng Nam trời mưa. Dù buồn vì không trải nghiệm được nhiều song họ có những buổi đi bộ lãng mạn trong phố cổ, ghé thăm những cửa hàng quần áo may đo với giá "cực kỳ rẻ". Cao lầu, phở... cũng có giá bằng khoảng 10% so với một món ăn ở nước họ.
Điều tiếp khiến cặp đôi hào hứng là văn hóa, sự khác biệt về phong cách sống. Khi đến Hà Nội, họ đi xích lô, len lỏi giữa dòng xe đông đúc, xung quanh là vô số những tiếng còi "bíp bíp". Họ chia sẻ ở Mexico khi lái xe đã dùng đến còi xe thì rất căng thẳng, có thể xung đột nhưng ở Việt Nam thì đó là một thói quen.
Khung cảnh ở Việt Nam cũng rất khác, cách thành phố hiện đại như Đà Nẵng, Hội An không xa là thôn quê, yên bình với những cánh đồng, làng rau. Đến Hà Nội thì vẻ đẹp hòa quyện giữa hiện đại, cổ kính rõ rệt. Cùng một con phố có cả những tòa nhà cao tầng, những ngôi chùa cổ khiến họ không ngừng bất ngờ.
Họ cũng được trải nghiệm làm hoa lễ và tìm hiểu phong tục thờ cúng của người Việt Nam khi đến Hà Nội. "Thật đặc biệt khi nhiều thế hệ từ ông bà, cha mẹ người Việt Nam sống chung, chăm sóc con cháu và ngược lại con cháu tôn kính, tưởng nhớ họ khi mất bằng cách thắp hương mỗi ngày, làm giỗ. Ở Mexico chúng tôi chỉ có một ngày lễ chung để tưởng nhớ tới người khuất", Sofia và Pablo nói.
Tuy nhiên, họ cũng gặp những sự cố trước chuyến bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội. Trên loa có thông báo sẽ đổi cửa ra tàu bay từ 4 sang 6, tuy nhiên vì không để ý nên họ lỡ thông tin. Đang ngồi thì thấy rất nhiều người di chuyển, cặp đôi chủ động hỏi mọi người có chuyện gì đang xảy ra nhưng không có ai trả lời, mọi người đều vẫy tay vì không biết tiếng Anh. Họ khi ấy lo lắng, sợ nhỡ chuyến, cho đến khi nhân viên sân bay giúp đỡ.
Hay lần khác trong một nhà hàng Hà Nội, thực đơn không có tiếng Anh, nên họ phải dùng đến công cụ dịch của Google, ngôn ngữ cơ thể để gọi được món ăn hay nước uống.
"Nghe nói được tiếng Anh là điều chúng tôi mong Việt Nam nói chung và người làm du lịch nói riêng có thể cải thiện hơn, vì không phải du khách quốc tế nào cũng có thể sử dụng tiếng địa phương. Còn lại chuyến đi của chúng tôi tuyệt vời hơn mong đợi", Pablo chia sẻ.
Sau chuyến đi vịnh Hạ Long, cặp đôi sẽ bay vào TP Hồ Chí Minh và về nước. Họ chia sẻ sẽ tiếp tục giới thiệu bạn bè, người thân tới Việt Nam. Với họ, hiện quy định nhập cảnh đối với khách quốc tế vào Việt Nam thuận lợi, chỉ cần xin thị thực điện tử, có hộ chiếu và kết quả âm tính với SARS-CoV-2 bằng PCR. Công ty du lịch họ đặt dịch vụ đã chuẩn bị sẵn bảo hiểm y tế và du lịch có chi trả Covid-19 nên hoàn toàn yên tâm.
Theo VnExpress