Nhất định phải quay lại Hà Giang nhiều lần nữa là điều mà chị Clione mong muốn sau khi trải nghiệm một đêm hòa mình vào đời sống cùng người dân bản địa tại làng cổ Lao Xa.
Quây quần bên mâm cơm đầy ắp các món ngon đặc trưng của người dân tộc Mông, ai nấy đều vui vẻ nâng ly trước sự bắt nhịp của ông chủ homestay, không phân biệt quốc tịch.
Cách quốc lộ 4C khoảng 4km, con đường quanh co dẫn vào bản Lao Xa (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang) chìm trong những làn sương mờ ảo, càng lên cao màn sương càng thêm dày đặc. Nhưng bầu không khí trong lành, sự mát mẻ ở Lao Xa khiến du khách như quên hết đi mệt mỏi.
Làng cổ Lao Xa không có những ngôi nhà xây san sát nhau, mà thay vào đó là nhà trình tường đặc trưng của người Mông trên cao nguyên đá. Đến Lao Xa cuối tháng 3, những cây đào, cây lê trong làng chúm chím quả non xinh xắn, làm cho ngôi làng cổ giữa những dãy núi đá đã thơ càng thêm thơ.
Anh Vàng Mí Hồng - chủ nhà cổ Lao Xa, homestay đầu tiên của bản - kể lại, ngôi nhà này là nơi sinh sống của ba thế hệ trong gia đình anh, đến nay đã có tuổi đời hơn 70 năm và cũng là nơi gia đình anh đón khách.
Trong sân nhà, mấy khách nước ngoài đã đến từ sớm nhâm nhi ly cà phê tận hưởng bầu không khí trong lành của mùa xuân vùng cao.
19h, anh Hồng bê lên nhà từng mâm cơm thơm phức. Hôm nay, homestay kín chỗ, khách được xếp ngồi chung với nhau trong gian chính của ngôi nhà cổ.
Bắp cải xào, mì xào, thịt lợn cắp nách nướng mắc khén, thịt gác bếp, trứng rán… món nào món ấy đậm vị Việt Nam. Cầm ly rượu ngô trên tay, anh Hồng vừa nói tiếng Việt, vừa nói tiếng Anh giới thiệu, mời các vị khách quý đến nhà dùng bữa với câu chúc bằng tiếng Mông.
Không biết do đã thấm mệt sau một ngày dài hay đồ ăn hợp khẩu vị mà chị Clione (du khách Pháp) cảm thấy tài nghệ nấu ăn của chủ nhà rất tuyệt, món nào cũng ngon. Việc có thêm những người bạn Việt Nam cũng khiến chị cảm thấy ấm áp.
Sau bữa cơm, anh Hồng lấy cây khèn treo bên vách nhà xuống rồi giới thiệu với các vị khách nước ngoài về nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình (khèn, sáo).
Cái hay của nghệ thuật khèn Mông là người thổi phải vừa thổi vừa nhảy theo giai điệu. Bên bếp lửa bập bùng, không gian trong căn nhà cổ như ấm áp hơn, anh Hồng say mê thổi bài khèn, còn du khách chăm chú theo dõi, thi thoảng vài vị khách nước ngoài ồ lên vì thú vị. Tiếng khèn vừa dứt, ai nấy đều vỗ tay cổ vũ cho chủ nhà.
Chỉ qua vài lời hướng dẫn của chủ nhà, chị Clione đã hóa thân thành cô gái Mông với điệu khèn của riêng mình. Mới đầu, chỉ là làm quen với cây khèn, dần dà cô gái này bắt đầu nhún nhảy theo giai điệu và bắt chước lại đúng điệu bộ của anh Hồng trong màn biểu diễn trước đó.
"Vì không biết trước kế hoạch nên mọi trải nghiệm của mình đều rất bất ngờ, thú vị. Không khí ở đây khác hẳn với Hà Nội rất trong lành, giống như một nơi để mình chữa lành, làm mới bản thân. Hà Giang không chỉ có cảnh đẹp mà còn có sự thân thiện mến khách của những người như gia đình anh Hồng", chị Bùi Thị Thơm (Hà Nội) cho hay.
Còn chị Clione như tìm lại được chính mình ở Lao Xa. Thích vẽ từ bé, nhưng đã rất lâu rồi chị chưa cầm bút vẽ lại. Vẻ đẹp của con người, của cảnh sắc Hà Giang đã thôi thúc chị đặt bút và lưu lại những khoảnh khắc xinh đẹp đó trong cuốn sổ nhỏ.
"Tôi đến Hà Giang từ hai ngày trước và lái xe máy từ thành phố Hà Giang đến đây. Hà Giang thực sự là một mảnh đất xinh đẹp, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Chúng tôi luôn luôn nhận được sự hỗ trợ của mọi người, họ rất thân thiện.
Tôi sẽ quay lại Hà Giang. Tôi rất thích mảnh đất này và mong muốn chia sẻ với các bạn của mình về Hà Giang và cùng nhau đến đây", chị Clione bày tỏ.
T.H (theo Tuổi trẻ)