Kênh đào Panama đã tạm thời hạn chế tàu thuyền qua lại trong bối cảnh hạn hán kéo dài ảnh hưởng đáng kể tới mực nước tại một trong những tuyến lưu thông thương mại hàng hải bận rộn nhất thế giới này.
Tàu thuyền di chuyển qua Kênh đào Panama tại Pedro Miguel
Ngày 10.8, Cơ quan quản lý Kênh đào Panama (ACP) đưa ra thông báo nêu rõ sẽ giới hạn số lượng tàu thuyền cỡ nhỏ có đăng ký lưu thông từ trước đi qua các cửa cũ của kênh, từ 16 tàu mỗi ngày xuống 14 tàu. Điều này tạo điều kiện cho các tàu thuyền chưa đặt trước có thể đi qua kênh đào Panama nhằm giảm tình trạng ùn ứ và ách tắc. Số lượng tàu thuyền đi qua các cửa lớn nhất của kênh đào này sẽ vẫn không thay đổi.
Bên cạnh đó, kênh đào Panama cũng duy trì chính sách hạn chế tổng số lượng tàu thuyền được phép lưu thông qua kênh mỗi ngày là 32, thay vì 36 như thường lệ. ACP sẽ tiếp tục áp dụng quy định giới hạn mớn nước ở mức 13,41 m (44 feet) đối với loại tàu container neo-Panamax - tàu được thiết kế phù hợp với âu thuyền của kênh. ACP lưu ý sẽ duy trì giới hạn này cho đến khi điều kiện thời tiết có sự thay đổi đáng kể trong năm 2024. Trước đó, hồi tháng 6, ACP đã hoãn đưa ra quy định giới hạn mớn nước ở mức 13,3 m, đồng nghĩa với việc các tàu này sẽ phải giảm tải trọng để có thể có mức nổi cao hơn.
Kênh đào Panama là một tuyến đường thủy nhân tạo dài 82 km ở Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Việc tạo ra công trình này đã đóng góp lợi ích to lớn cho vận chuyển toàn cầu. Trước khi kênh đào Panama được xây dựng, tàu biển thường phải đi vòng qua cực Nam của Nam Mỹ, đây là tuyến đường dài và nguy hiểm hơn nhiều. Việc di chuyển qua kênh đào Panama đã rút ngắn hải trình hơn 13.000 km, tiết kiệm chi phí và thời gian.
Khoảng 70% số tàu lưu thông qua kênh đào xuất phát từ hoặc hướng đến Mỹ, nơi nhiều nhà bán lẻ quy mô lớn như Walmart, Amazon và Target đang chuẩn bị hàng hóa đủ cung cấp cho các chương trình bán hàng giảm giá vào mùa đông. Mọi sự gián hoặc đình trệ lưu thông xảy ra tại kênh đào này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông hàng hóa toàn cầu.
Tình trạng ách tắc tàu thuyền thương mại chờ qua kênh đào đã buộc các công ty vận tải đường thủy phải tìm kiếm các tuyến đường thay thế. Tính đến ngày 10.8, đã có 161 tàu thuyền hoạt động gần kênh đào, tăng so với khoảng 90 tàu vào mùa mưa. Phần mềm cung cấp dữ liệu tàu thuyền Refinitiv Eikon cho thấy đã có thêm ít nhất 40 tàu đang tiến gần kênh đào.
Kênh đào Panama đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn nước lớn nhất từ trước đến nay do biến đổi khí hậu. ACP cho biết trong 6 tháng qua, kênh đào này đã trải qua mùa khô kéo dài, gia tăng hiện tượng bốc hơi, trong khi có khả năng cao hiện tượng El Nino xảy ra trong năm nay. Panama thường đón mưa lớn vào tháng 7 và tình trạng thiếu mưa hiện tại được cho là “chưa từng có trong lịch sử”.
Theo dự báo mà ACP đưa ra trước đó, doanh thu của tuyến thương mại hàng hải tấp nập nhất thế giới này sẽ giảm trong năm tài chính sắp tới sau khi lượng tàu qua đây giảm do mùa khô kéo dài. Ước tính, trong năm tài chính kéo dài từ tháng 10.2023 đến tháng 9.2024, doanh thu của kênh đào Panama sẽ giảm trong khoảng từ 150 triệu đến 200 triệu USD, xuống còn 4,9 tỷ USD.
Theo TTXVN