Y tế - Sức khỏe

Hương ước, quy ước thiếu vắng quy định “không sử dụng thuốc lá”

THANH HÀ 27/09/2024 09:00

Dù có quy định bổ sung tiêu chí “phòng chống tác hại của thuốc lá” vào hương ước, quy ước nhưng một số khu dân cư, thôn ở Hải Dương vẫn chưa thực hiện quy định này.

img_5839.jpeg
Nhiều người vẫn giữ thói quen hút thuốc lá mặc dù biết có thể ảnh hưởng đến sức khỏe

Thói quen, tập quán sinh hoạt

Cuối năm 2023, trước khi sửa đổi hương ước, thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp của nhân dân nhằm bảo đảm tính dân chủ, khách quan. Theo ông Đoàn Văn Tuẫn, Bí thư, Trưởng thôn Bái Thượng, tại cuộc họp, thôn đề nghị bổ sung nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào hương ước song chưa có nhiều người dân đồng tình, ủng hộ nội dung này. Nhiều người cho rằng, trong đám hỏi mà mâm lễ thiếu một trong những thứ như cau, trầu, thuốc lá, rượu… thì chưa đầy đủ, chưa theo phong tục, tập quán của địa phương. Trong đám cưới, đám tang, người dân vẫn giữ thói quen mỗi bàn có 1 bao thuốc lá. “Dùng thuốc lá và chuẩn bị thuốc lá trong các đám, lễ như một thói quen của người dân nên nhiều gia đình chưa đồng thuận đưa nội dung này vào trong hương ước của thôn”, ông Tuẫn nói.

Không chỉ thôn Bái Thượng, một số khu dân cư, thôn cũng chưa đưa quy định phòng chống tác hại của thuốc lá vào hương ước, quy ước. Bà Nguyễn Thị Kim Tươi, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Tân (TP Hải Dương) cho biết phường có 15 khu dân cư thì có 5 khu dân cư đã đưa quy định không khói thuốc lá vào hương ước, quy ước, một số khu dân cư đang tiến hành và một số khu chưa thực hiện.

Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều người chưa thấy được tác hại của thuốc lá hoặc dù biết nhưng đã hút thuốc từ lâu nên khó bỏ. “Ông cha thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện”, thuốc, nước ở đây cũng giống như vậy. Khi ngồi xuống mời nhau chén nước, điếu thuốc… sẽ dễ nói chuyện hơn. Đối với nhiều người, thuốc lá còn để xua mệt mỏi, căng thẳng. Trong mùa đông lạnh giá, hút thuốc sẽ làm cơ thể ấm lên, nên việc bỏ thuốc lá rất khó, một số người sẽ không đồng thuận”, anh Nguyễn Đức Long ở khu 4, phường Hải Tân cho biết.

Tiếp tục bổ sung vào hương ước, quy ước

287010430_2140751646096780_6955796676317996179_n.jpg
Hội thi tuyên truyền về tác hại thuốc lá tại Trường Đại học Sao Đỏ là dịp để nâng cao kiến thức cho sinh viên (ảnh tư liệu)

Hút thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây ra nhiều loại bệnh, trong đó có 25 bệnh gây tử vong hàng đầu như đột quỵ, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các căn bệnh liên quan đến thuốc lá và số này sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030. Tại Việt Nam, theo thống kê của Hội Kinh tế y tế Việt Nam năm 2022, chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng.

Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng mà còn tác động đến những người xung quanh, nhất là trẻ em, phụ nữ mang thai và người già. Thuốc lá làm cho không khí, môi trường thêm ô nhiễm.

Đưa quy định phòng chống tác hại của thuốc lá vào hương ước, quy ước của thôn, khu dân cư khó nhưng không phải không thực hiện được. “Trước đây, việc đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế của cơ quan, đơn vị; niêm yết quy định, nội quy tại phòng làm việc gặp nhiều khó khăn nhưng khi triển khai thì các cơ quan, tổ chức trên địa bàn huyện đều nghiêm túc thực hiện. Đối với cộng động dân cư sẽ khó khăn hơn vì thành phần, tầng lớp nhân dân đa dạng và nhận thức khác nhau. Mặc dù khó nhưng không phải là không thực hiện được", đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia Lộc cho biết.

Bà Nguyễn Thị Kim Tươi cho biết: “Đối với khu dân cư chưa bổ sung quy định này, UBND phường sẽ đề nghị tổ chức họp, lấy ý kiến của người dân để đưa vào trong thời gian sớm nhất. Quy định rất cần thiết bởi mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Việc thực hiện ban đầu có thể khó nhưng chắc chắn sẽ làm được”.

Để việc quy định “phòng chống tác hại của thuốc lá” là một nội dung trong hương ước, quy ước của các làng, khu dân cư, công tác tuyên truyền, vận động người dân được các địa phương ưu tiên thực hiện. Bà Nguyễn Thị Kha, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin thị xã Kinh Môn cho biết: “Trong cộng đồng dân cư, nhận thức và tiếp thu của mỗi người là khác nhau, vì thế việc quan trọng nhất hiện nay là công tác tuyên truyền để người dân thấy được tác hại của thuốc lá, lợi ích của việc không sử dụng thuốc lá như hạn chế bệnh tật, không tốn tiền mua thuốc, bảo vệ môi trường... Khi đó, họ sẽ chủ động thực hiện các quy định để bảo vệ sức khỏe của bản thân, người thân trong gia đình và những người xung quanh”.

Ngoài tuyên truyền, để quy định không sử dụng thuốc lá trong cộng đồng dân cư được thực hiện nghiêm túc, UBND cấp xã cần đưa quy định này là một trong những tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, thôn, khu dân cư văn hóa, danh hiệu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”. Có như vậy, việc phòng chống tác hại thuốc lá trong cộng đồng dân cư mới mang lại hiệu quả.

Ngày 11/9/2023, UBND tỉnh Hải Dương ban hành "Kế hoạch 3361/KH-UBND thực hiện chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh đến năm 2030". Theo kế hoạch, giai đoạn 2023-2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 45%; tại nhà hàng xuống dưới 80%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%. Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quy định, trong đó bổ sung thêm nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào hương ước, quy ước tại thôn, khu dân cư.

THANH HÀ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hương ước, quy ước thiếu vắng quy định “không sử dụng thuốc lá”