Sản xuất xanh đang là xu hướng chuyển đổi tích cực của ngành nông nghiệp. Ngày càng nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ được hình thành giúp tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, gia tăng hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường.
Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng chuyển đổi của nhiều mô hình sản xuất trên địa bàn tỉnh
Hiệu quả bền vững
Trong những lần thăm Hải Dương và tại các hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhiều lần nhắc tới các yếu tố để phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, việc chuyển đổi sản xuất sang nông nghiệp xanh, tiết kiệm chi phí là điều cần phải thực hiện. Và thực tế, nhiều địa phương, HTX trong tỉnh đã chuyển hướng sang sản xuất xanh đem lại hiệu quả.
2022 tiếp tục là một năm thành công đối với quả vải của HTX Ameii ở xã Thanh Sơn (Thanh Hà). Với hơn 37 ha sản xuất, HTX thu khoảng 500 tấn vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Không những bán với giá cao, sản phẩm vải của HTX còn được xuất khẩu sang các thị trường khó tính và tiêu thụ ở phân khúc thị trường cao trong nước. Với giá bán cao và ổn định, lợi nhuận của các thành viên HTX cao hơn 30% so với những vụ vải trước. Đặc biệt vụ vải này, HTX có gần 1 ha vải trồng theo hướng hữu cơ. Sản lượng vải hữu cơ không nhiều nhưng được bán với giá từ 35.000-40.000 đồng/kg, cao hơn giá bán vải VietGAP và GlobalGAP.
Ông Phạm Văn Giang, Giám đốc HTX Ameii cho biết: “Sản xuất vải theo hướng hữu cơ giúp tạo ra sản phẩm hoàn toàn khác biệt về chất lượng, quả vải thơm ngon hơn canh tác thông thường. Không những mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng vải mà còn tạo ra môi trường canh tác nông nghiệp bền vững. HTX đã tuyên truyền, vận động người trồng mở rộng vùng trồng vải theo hướng hữu cơ”.
Nắm bắt được xu hướng sản xuất xanh nên ngay từ năm 2010, anh Hồ Việt Hoàn ở xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) đã tích tụ khoảng 20 ha đất để phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP. Sau nhiều năm phát triển, anh nhận thấy sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao sẽ là hướng đi tất yếu, bền vững. Vì vậy, năm 2019 anh Hoàn đứng ra thành lập HTX Hoàng Nam Phát chuyên sản xuất các loại nông sản. Thời gian đầu, HTX chỉ có 10 thành viên với quy mô 50 ha nhưng đến nay đã có 80 thành viên với quy mô sản xuất khoảng 300 ha với các vùng trồng tập trung ở các huyện Gia Lộc, Ninh Giang và thị xã Kinh Môn.
Anh Hoàn chia sẻ, ngoài vùng trồng VietGAP, HTX còn sản xuất trong nhà màng, nhà lưới theo hướng hữu cơ. Hiện nay, HTX có khoảng 10 ha trồng theo hướng hữu cơ, 5.000 m2 nhà màng, nhà lưới. Dự kiến, đến năm 2023 thành viên HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích này. “Phát triển nông nghiệp với quy mô tập trung, liên kết chuỗi và sản xuất hữu cơ đem lại hiệu quả cao hơn từ 2-3 lần so với sản xuất thông thường. Chúng tôi còn chủ động tạo nguồn phân hữu cơ để phục vụ sản xuất. Trong quá trình quy vùng sản xuất, cứ 10 ha chúng tôi lại để dành khoảng 300 m2 làm hố ủ phân hữu cơ. Chất thải từ cây trồng, vật nuôi được tận dụng triệt để làm phân, vừa phát huy hiệu quả sản xuất lại bảo vệ môi trường, đất đai”, anh Hoàn nói.
HTX Hoàng Nam Phát đang có khoảng 10 ha trồng rau quả theo hướng hữu cơ và 5.000 m2 nhà màng, nhà lưới
Xu hướng chuyển đổi
Trong những năm qua, Hải Dương đã chú trọng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; hạ tầng phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư giúp giảm tổn thất và chi phí sản xuất. Một số mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao gắn với đổi mới tổ chức sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, anh Trần Văn Điệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Quang Điệp (Thanh Hà) khẳng định: “Sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ tiên tiến đem lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với canh tác truyền thống. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng cao. Nguồn cung ứng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, việc liên kết sản xuất, mở rộng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới”.
Nền nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ hướng tới nông nghiệp thông minh để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn tăng trưởng xanh với chuyển đổi số. Trong đó tập trung vào quy hoạch, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Hiện toàn tỉnh có 15.500 ha rau màu sản xuất theo quy trình GAP, trên 5.000 ha rau được sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu; 1.500 ha rau, củ, quả được cấp chứng nhận VietGAP. Toàn tỉnh có khoảng 421,7 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, chủ yếu là trồng lúa trên diện tích khai thác rươi, cáy tự nhiên với diện tích 403,7 ha. 137 ha đất sản xuất ngoài bãi đê ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Nhiều nông sản như vải, cà rốt, cải bắp... đủ điều kiện để xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Hàn Quốc... Tỉnh có 122 trong tổng số hơn 800 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP và chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. |
LAN HIỀN