Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất hiện nay. Trong những tháng cuối năm, thị trường này sẽ còn mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao.
Lao động học tiếng Nhật trước khi sang Nhật Bản làm việc. Ảnh: Anh Tuấn/Vietnam+
Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong chín tháng, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 104.615 lao động (35.815 lao động nữ) đạt 87,2% kế hoạch năm 2019 (kế hoạch là 120.000 lao động).
Trong đó, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều nhất với 53.610 lao động (20.250 lao động nữ), tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) 41.174 lao động, Hàn Quốc 5.898 lao động, Romania 1.103 lao động, Saudi Arabia 817 lao động, Macau 324 lao động, Malaysia 304 lao động...
Chỉ riêng trong tháng 9, cả nước có 12.950 lao động đi làm việc ở nước ngoài, bằng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, tiếp nhận lao động Việt Nam với quy mô lớn nhất, chiếm trên 90% tổng số lao động đi trong thời gian qua.
“Nhật Bản đang là thị trường tiềm năng nhất hiện nay. Thị trường này không chỉ có tiền lương khá mà còn đang ‘mở cửa’ với nhiều cơ hội việc làm cho lao động có trình độ tay nghề, kỹ năng,” ông Nguyễn Gia Liên cho hay.
Cũng theo ông Liên, năm 2018, tổng số lao động sang Nhật Bản đạt gần 70.000 người. Hiện, có gần 200.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản.
Đất nước mặt trời mọc đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 345.000 lao động nước ngoài làm việc trong các ngành nghề hộ lý chăm sóc người cao tuổi, lưu trú khách sạn (lễ tân, đón khách...), điện, thông tin điện tử, bảo dưỡng-sửa chữa ô tô, hàng không phục vụ mặt đất và bốc xếp hành lý, nhà hàng ăn uống, xây dựng, đóng tàu, nông nghiệp…
Theo Vietnam+