Với nhiều lợi ích thiết thực, nông nghiệp tuần hoàn đang được coi là một xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới.
Tại trang trại nuôi bò của anh Nguyễn Văn Cần ở xã Hiệp Hòa (Kinh Môn), chất thải sau xử lý dùng để bón cây trồng
Với những lợi ích thiết thực, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ngày càng được nhiều nông dân quan tâm và sẽ là xu thế phát triển tất yếu trong thời gian tới.
Lợi ích thiết thực
Năm 2016, khi bắt tay vào sản xuất nông nghiệp, anh Nguyễn Quyết Thắng, chủ An Thắng Farm ở xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) đã chọn đi theo hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Theo chia sẻ của anh Thắng, từ nhỏ anh đã biết bố mẹ luôn tận dụng "cơm thừa, canh cặn" để nuôi lợn, nuôi gà và sử dụng chất thải làm phân bón. Khi sang Australia học tập, anh thấy sản xuất nông nghiệp tuần hoàn rất phổ biến và mang lại nhiều lợi ích nên quyết tâm đi theo hướng này.
Sau nhiều năm gây dựng, đến nay anh Thắng có trang trại rộng 12 ha trồng cây, cỏ và nuôi bò, lợn, cá, vịt, gà… theo phương pháp tuần hoàn khép kín. Chất thải của vật nuôi được thu gom đưa ra bên ngoài, xử lý bằng giun Ấn Độ, sau đó bón cho cỏ, cây trồng. Khi cỏ, cây, giun Ấn Độ đến kỳ thu hoạch được sử dụng làm thức ăn cho bò, gà, vịt… “Tôi không bỏ đi thứ gì, tất cả mọi thứ đều có thể sử dụng được. Việc này mang lại nhiều hiệu quả, giảm chi phí đầu vào và giúp môi trường sạch sẽ hơn", anh Thắng chia sẻ.
Cũng đi theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, sau mỗi vụ thu hoạch, anh Nguyễn Văn Cần, chủ trang trại nuôi bò ở xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) thu mua rơm rạ của nông dân để đưa về kho làm thức ăn cho bò. Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, anh Cần còn trồng thêm ngô và cỏ. Bắp ngô thu được dùng để nấu rượu. Chất thải của bò sau khi đã dùng giun quế xử lý được bón cho cây trồng. Các chất thải khác được đưa xuống hầm biogas để làm chất đốt.
Mô hình nuôi ếch Thái Lan kết hợp với cá rô đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tại các hộ ở huyện Ninh Giang cũng cho thấy rõ hiệu quả của nông nghiệp tuần hoàn. Cùng một diện tích ao, người dân có thể nuôi ếch bên trên, thả cá bên dưới. Thức ăn cho ếch dư thừa và mỗi lần ếch lột da đều có thể làm thức ăn cho cá, từ đó giảm chi phí mua thức ăn tới 20-30%...
Nuôi giun quế để xử lý chất thải của động vật thành phân bón
Hướng đi tất yếu
Tại hội thảo khoa học "Nông nghiệp tuần hoàn và tầm nhìn phát triển nông nghiệp tỉnh Hải Dương" do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, nhiều chuyên gia khẳng định nông nghiệp tuần hoàn là một xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới.
Tại Hải Dương, từ lâu nông dân đã biết tận dụng phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn cho chăn nuôi, làm nấm, ủ phân hữu cơ, phủ luống hành, tỏi, cà rốt, ủ gốc giữ ẩm... làm tăng hiệu quả kinh tế, tăng độ tơi xốp của đất, giảm ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, Hải Dương hiện có 122 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 521 cơ sở sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Tại nhiều mô hình, người dân đã sử dụng phụ phẩm chăn nuôi để nuôi giun quế, dùng chế phẩm sinh học xử lý phân và chất thải trong chăn nuôi thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Tôn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu liên ngành phát triển nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Hải Dương có điều kiện sinh thái đa dạng, diện tích chủ yếu là vùng đồng bằng với hệ thống sông ngòi dày đặc tạo nên các vùng đất bãi. Hải Dương nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với hệ thống giao thông thuận lợi. Đây chính là những điều kiện rất tốt để phát triển chăn nuôi trong hệ thống kinh tế tuần hoàn.
Dù có nhiều tiềm năng song việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn hiện nay gặp một số khó khăn. Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các mô hình kinh tế tuần hoàn được áp dụng trong nông nghiệp chưa đầy đủ, còn tự phát. Hiện chưa có hướng dẫn, tiêu chuẩn cụ thể, các quy định liên quan đến nông nghiệp tuần hoàn nằm rải rác ở các luật, nghị định khác nhau, một số vấn đề về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan đến thu gom, vận chuyển và tái sử dụng điều kiện cấp vốn còn bỏ ngỏ nên khó khăn trong triển khai.
Để phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, theo bà Kiểm cần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời đề xuất chính sách đặc thù khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, xây dựng và triển khai các dự án, mô hình trình diễn nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, sử dụng phế phụ phẩm sau thu hoạch. Thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đồng thời tích cực tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả.
Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích, song cần hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, ngành trong việc đưa ra mô hình, định hướng, hỗ trợ người dân. Có như vậy mới thu hút được nhiều nông dân đi theo hướng sản xuất này, từ đó tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, đồng thời bảo đảm an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng.
THANH HÀ