Báo Hải Dương nhận được phản ánh của một số hộ chăn nuôi bị thiệt hại cả trăm triệu đồng khi mua lợn giống tại trang trại chăn nuôi Thành Hiền ở xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên).
.
Ngày 4/9, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bối ở thôn Phạm Xá 2, xã Tuấn Việt (Kim Thành) bỏ ra hơn 177 triệu đồng để mua 100 con lợn giống (trọng lượng khoảng 10kg/con) về tái đàn nhưng nay đã trắng tay.
Theo ông Bối, ngay khi nhập chuồng, một vài con lợn đã có dấu hiệu ốm sốt, bỏ ăn và chết. Lợn ốm, chết bất thường nên gia đình tự lấy mẫu gửi Học viện Nông nghiệp Việt Nam xét nghiệm và cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Sau khi có kết quả xét nghiệm, ông Bối đã báo cáo cán bộ thú y xã, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để lấy mẫu và khẳng định toàn bộ mẫu bệnh phẩm đều đã nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Ngày 14/9, chính quyền địa phương đã vận động và cùng gia đình tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi để bảo đảm dịch không lây lan.
Trước đó, ngày 23/8, anh Nguyễn Văn Phước ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) cũng đầu tư 223 triệu đồng mua 121 con lợn giống ở cùng trại lợn Thành Hiền. Sau khi bắt về lợn cũng có dấu hiệu ốm sốt, bỏ ăn và chết bất thường. Lấy mẫu mang đi xét nghiệm, anh Phước cũng nhận được kết quả lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
“Chủ trang trại cam kết bảo hành lợn từ 7 – 10 ngày sau khi bắt. Nhưng chỉ 3 – 4 ngày sau khi nhập chuồng, lợn có dấu hiệu bất thường và khi có kết quả khẳng định lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi, tôi đã thông báo lại cho chủ trang trại Thành Hiền với mong muốn được hỗ trợ 1/3 số tiền nhưng chủ trang trại không đồng ý và đổ lỗi lợn bị nhiễm bệnh trong quá trình vận chuyển”, anh Phước nói.
Cũng mua lợn của trang trại chăn nuôi Thành Hiền, ông Lê Đức Hiểu ở khu dân cư Hoàng Gián, phường Hoàng Tiến (Chí Linh) bức xúc nói: “Hiện tại, không chỉ 168 con lợn tôi bắt ở trại Thành Hiền bị chết mà dịch còn lây nhiễm sang đàn lợn 70 con đang khỏe mạnh của tôi đang nuôi”.
Các kết quả xét nghiệm đều khẳng định lợn bị dịch tả châu Phi, chủ hộ chăn nuôi đã đến tận nơi để làm việc với chủ trang trại Thành Hiền nhưng trái với những cam kết trước đó, chủ trang trại đều phủ nhận trách nhiệm.
Quá bức xúc vì bị thiệt hại lớn về kinh tế, con trai ông Bối là Nguyễn Văn Hiếu đã đăng tải bài phản ánh lên Facebook và phát hiện có nhiều người ở Hưng Yên, Hà Nội… cũng gặp tình trạng tương tự. Các hộ chăn nuôi này đều bắt từ 100 con lợn trở lên trong khoảng thời gian từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9.
Qua rà soát của Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên, hiện trang trại nuôi lợn Thành Hiền có trên 150 con lợn, trong đó có 80 con nái đẻ còn lại là lợn sữa theo mẹ. Để có thêm thông tin về trang trại này chúng tôi nhiều lần điện thoại và nhắn tin cho đồng chí Chủ tịch UBND xã Hoà Phong theo số điện thoại được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên để tìm hiểu thông tin nhưng đồng chí này không nghe máy.
Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương khuyến cáo hiện nay, nhu cầu tái đàn lợn để phục vụ thị trường chăn nuôi cuối năm là rất cao, trong khi đó nguồn cung trong tỉnh còn hạn chế. Do vậy, khi mua lợn giống từ nơi khác về người dân cần đề cao cảnh giác. Cần mua lợn ở các cơ sở uy tín và phải có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch của cơ quan thú y địa phương để chứng minh lợn không bị nhiễm các loại dịch bệnh.
Theo quy định, hiện nay dịch tả lợn châu Phi được coi là dịch bệnh thông thường. Việc tiêu hủy chỉ được thực hiện với lợn mắc bệnh, lợn chết, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đối với lợn khỏe mạnh trong cùng ô chuồng, dãy chuồng có lợn mắc bệnh, khi lấy mẫu và kết quả âm tính với mầm bệnh thì được phép vận chuyển để tiêu thụ tại địa bàn huyện.
ĐỖ TRẦN