Những năm qua, huyện Tứ Kỳ đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.
Gia đình ông Phạm Hải Đường ở thôn Hữu Chung (xã Hà Thanh) chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng chuối mang lại thu nhập khá
Tăng thu nhập
Xã Quang Khải xác định chuyển đổi cây trồng trên đất lúa là biện pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Quá trình chuyển đổi được giám sát chặt chẽ, tránh để người dân thực hiện tự phát. Mỗi khu chuyển đổi đều rộng từ 5 ha/vùng trở lên. Ngoài cây ổi, người dân trong xã còn trồng nhiều loại cây ăn quả khác như chuối, bưởi...
Mới có vài năm, khu ruộng cấy lúa bấp bênh của người dân thôn Vũ Xá (xã Quang Khải) đã trở thành vùng trồng cây ăn quả tập trung cho thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi ha. Người dân còn tận dụng quỹ đất để xen canh, tăng thu nhập. Trước kia, gia đình anh Vũ Ngọc Thái chỉ cấy mấy sào lúa, thu nhập rất bấp bênh.
Năm 2015, anh thuê 5 ha đất lúa kém hiệu quả của người dân cùng thôn, cải tạo để thả cá, trồng cây ăn quả. Trong đó, có 1 ha trồng giống ổi lê Đài Loan. "Cấy 1 sào lúa nếu may mắn không bị chuột phá, không sâu bệnh thì lãi khoảng 500.000 đồng/vụ, còn 1sào ổi ít nhất tôi cũng thu được từ 2-3 triệu đồng/vụ. Nếu xen canh cây ăn quả với gừng, sả thì lợi nhuận thu được còn cao hơn nhiều", anh Thái nói.
Xã Hà Thanh có hơn 500 ha đất nông nghiệp, khoảng 100 ha đã được chuyển sang trồng cây ăn quả, thả cá. Đây cũng là xã có diện tích chuyển đổi lớn nhất huyện. Năm nay, xã tiếp tục chuyển hơn 30 ha sang trồng cây lâu năm.
Hiện không chỉ những khu đất triều trũng được chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà các vùng đồng cao gặp khó khăn về nước tưới người dân cũng linh hoạt chuyển sang các loại cây chịu hạn cho hiệu quả khá. Ông Phạm Xuân Ngải, Chủ tịch UBND xã Hà Thanh cho biết: "Trước đây diện tích ruộng bỏ hoang, kém hiệu quả của xã rất lớn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã khắc phục tình trạng này, giúp người dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp".
Trước khi chuyển 2 mẫu ruộng triều trũng của gia đình sang trồng chuối, ông Phạm Hải Đường ở thôn Hữu Chung, xã Hà Thanh băn khoăn vì chi phí đầu tư khá lớn. Nhưng đến nay, hiệu quả kinh tế mang lại đã chứng minh quyết định của ông Đường là đúng đắn. Hiện gia đình ông có hơn 1.000 gốc chuối tây, mỗi năm thu lãi từ 70-80 triệu đồng. Ông Đường cho biết: "Việc chăm sóc chuối cũng nhàn hơn so với cấy lúa mà hiệu quả lại cao hơn gấp nhiều lần. Hơn nữa, thương lái tới thu mua tận nơi nên chúng tôi không lo khâu tiêu thụ".
Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Giai đoạn 2018-2019, huyện Tứ Kỳ đã chuyển đổi 545 ha đất lúa, đạt hơn 80% kế hoạch. 453,4 ha được chuyển sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm; 91,6 ha cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản. Năm 2020, huyện có kế hoạch chuyển đổi 372,3 ha đất lúa. Huyện đang đề nghị chuyển 90 ha ruộng triều trũng và một phần diện tích chuyển đổi cũ sang gieo cấy lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi cáy ở 2 xã Quang Trung và Nguyên Giáp. Khu vực Gềnh Sồi ở thôn Thanh Kỳ (xã An Thanh) được cải tạo, mở rộng hơn 200 ha đất để khai thác rươi cáy.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chuyển đổi đất lúa là chủ trương đúng đắn, song một số quy định vẫn chưa rõ ràng nên địa phương rất thận trọng để tránh những sai sót trong quá trình thực hiện. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả, tìm hiểu đất đai từng vùng để xây dựng kế hoạch chuyển sang trồng cây khác có hiệu quả hơn.
Việc chuyển đổi phải theo vùng để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung liên vùng, liên xã, bảo đảm phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại trồng lúa. Huyện Tứ Kỳ cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ năm 2017-2019, địa phương hỗ trợ 6 tập thể, hộ thuê đất để sản xuất tập trung với diện tích 92,5 ha, đồng thời hỗ trợ về giá giống, thuốc trừ sâu cho 335 ha vùng sản xuất mới tại các xã Nguyên Giáp, Hà Thanh, Quảng Nghiệp...
Ngoài các loại cây trồng mới, lúa vẫn giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Tứ Kỳ. Nông dân tích cực chuyển đổi sang gieo cấy các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao như Thiên ưu 8, HT1...
Việc chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng ở Tứ Kỳ góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt gần 143 triệu đồng/ha, tăng hơn 2 triệu đồng/ha so với năm 2018.
THẢO NGUYỄN