Trong tỉnh

Người trẻ Tứ Kỳ yêu vật dân tộc

TRƯỜNG BẢO 09/05/2024 06:29

Việc thành lập câu lạc bộ và thu hút sự tham gia của lớp trẻ đã mang lại tín hiệu tích cực cho việc gìn giữ và phát huy thế mạnh của môn vật dân tộc - một nét văn hoá truyền thống đặc trưng ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương).

00:00

dsc01972.jpg
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vật dân tộc xã An Thanh ( Tứ Kỳ) trực tiếp hướng dẫn học viên các kỹ thuật của môn vật dân tộc

Lớp học đặc biệt

Từ sáng sớm, các thành viên của Câu lạc bộ Vật dân tộc xã An Thanh (Tứ Kỳ) tập trung tại sân Trường Mầm non An Thanh để khởi động, bắt đầu cho các bài tập trong giáo án mà Chủ nhiệm câu lạc bộ đã chuẩn bị.

Háo hức sau một tuần học tập, cuối tuần chính là dịp để các em học sinh hòa mình vào niềm vui với môn thể thao mà các em đam mê, yêu thích.

Nguyễn Bảo Minh, 14 tuổi, ở xã An Thanh sinh ra trong gia đình có nhiều đô vật nổi tiếng một thời của Tứ Kỳ như cụ Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Thanh Sen. Bố của em là anh Nguyễn Văn Huy cũng từng là một đô vật tiếng tăm của sới vật xã Văn Tố. Từ nhỏ, Minh đã thích vật dân tộc, luôn say mê khi được xem bố thi đấu. Đến khi biết Câu lạc bộ Vật dân tộc xã An Thanh thành lập, em liền xin bố mẹ cho theo học. Nhờ chăm chỉ rèn luyện, Minh đã đạt được nhiều tiến bộ, được thầy dạy đánh giá là một trong những học viên có tiềm năng.

Còn em Phạm Văn Hoàng Long, 12 tuổi, cũng ở xã An Thanh thì đến với môn vật dân tộc hoàn toàn tình cờ. Khi câu lạc bộ ra mắt, Long và bạn cùng lớp của mình xin phép gia đình để được theo học.

“Em rất thích vật dân tộc, vì đây là môn thể thao thể hiện cả sức mạnh và sự khéo léo. Hơn nữa, em được biết đây là môn thể thao truyền thống của cha ông, đặc biệt là môn thể thao đặc trưng của quê hương Tứ Kỳ”, Phạm Văn Hoàng Long vui vẻ chia sẻ.

Đây là hai đô vật nhỏ tuổi của Câu lạc bộ Vật dân tộc xã An Thanh. Được thành lập từ tháng 9/2023 chỉ với 11 thành viên, đến nay câu lạc bộ có 35 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Câu lạc bộ không chỉ thu hút thành viên trên địa bàn xã An Thanh mà còn ở một số xã khác như: Chí Minh, Văn Tố, Hưng Đạo.

Chủ nhiệm câu lạc bộ hiện nay là anh Nguyễn Ngọc Tùng, một đô vật của xã An Thanh. Để thành lập được câu lạc bộ này, anh Tùng đã ấp ủ từ khá lâu.

Trưởng thành từ lò vật xã Văn Tố, anh Tùng đã theo môn vật dân tộc được hơn 20 năm. Các đàn anh lớp trước như Nguyễn Hùng Mạnh, Nguyễn Hùng Hoàng… là tấm gương sáng để anh Tùng phấn đấu noi theo. Nhờ vậy mà sau nhiều năm theo đuổi, anh Tùng đã giành được nhiều giải lớn khi tham gia hội vật của tỉnh, trở thành đô vật tiếng tăm trong “sới vật” huyện Tứ Kỳ cũng như của tỉnh Hải Dương. Anh Tùng thường tranh thủ dịp cuối tuần để tập luyện và truyền dạy kỹ thuật của môn vật dân tộc cho các thành viên trong câu lạc bộ.

Giữ gìn bản sắc

dsc01912.jpg
Các đô vật nhí thực hiện các động tác se đài thuần thục, khoẻ khoắn

Có được thế hệ trẻ có đam mê, nhiệt huyết đóng vai trò kế cận là điều không dễ đối với văn hoá truyền thống. Môn vật dân tộc cũng không ngoại lệ. Ở Tứ Kỳ, những thế hệ trẻ tiếp nối cha ông theo đuổi, gìn giữ môn thể thao độc đáo này dù chưa nhiều nhưng cũng đã thắp sáng hy vọng trong tương lai.

Theo anh Tùng, việc quan trọng đầu tiên để thu hút được thành viên tham gia là phải tuyên truyền về ý nghĩa, nét đẹp văn hoá của môn vật dân tộc. Sau đó, để phụ huynh yên tâm gửi gắm con mình tham gia, anh Tùng đã soạn ra giáo án phù hợp. “Các học viên khi tham gia câu lạc bộ sẽ được rèn luyện các kỹ thuật cơ bản trong thời gian dài, kỹ lưỡng. Chỉ khi huấn luyện viên cảm thấy học viên đã nắm chắc kiến thức cơ bản mới dạy tiếp kỹ thuật nâng cao cũng như cho thi đấu giao lưu, nâng cao trình độ”, anh Tùng cho biết.

Ông Đỗ Trọng Hà, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Tứ Kỳ cho rằng việc thành lập được câu lạc bộ vật dân tộc đầu tiên trên địa bàn huyện là bước tiến quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy môn thể thao này - một nét văn hoá đặc trưng của huyện Tứ Kỳ.

Trong những năm qua, huyện Tứ Kỳ đã khẳng định được thương hiệu ở môn vật dân tộc khi luôn giành thành tích cao ở các giải cấp tỉnh. Đặc biệt, tại Giải vật dân tộc tỉnh Hải Dương ở Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay, Tứ Kỳ giành 5 trong tổng số 7 huy chương vàng các hạng cân, xếp thứ nhất toàn đoàn. Đồng thời bảo vệ ngôi đầu của giải trong 5 năm liên tiếp, thành tích chưa đơn vị nào có được.

dsc01956.jpg
Các đô vật hăng say tập luyện

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của bộ môn này là chưa phát triển rộng, bởi đây là môn thể thao đặc thù. Nhiều địa phương cũng chưa thực sự quan tâm, đầu tư phát triển các môn thể thao truyền thống...

Đáng tiếc hơn là lò vật ở xã Văn Tố - nơi được coi là cái nôi của môn vật dân tộc huyện Tứ Kỳ hiện không còn hoạt động. Các đô vật hiện phải tạm thời tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Vật dân tộc xã An Thanh.

“Trong thời gian tới, các cấp, ngành cần bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất cho không chỉ môn vật dân tộc mà cho các môn thể thao khác. Cần có đề án phát triển, đưa môn vật dân tộc trở thành sản phẩm OCOP gắn với du lịch, qua đó có thể tạo điều kiện để duy trì hoạt động thường xuyên. Đồng thời cần tôn vinh, có chế độ đãi ngộ với các vận động viên liên tục đạt thành tích cao tại các giải cấp tỉnh", ông Đỗ Trọng Hà chia sẻ.

TRƯỜNG BẢO
(0) Bình luận
Người trẻ Tứ Kỳ yêu vật dân tộc