Nhân chuyến về thăm quê, ông Hải được tin cụ Phong, một cụ ông trong họ đã ngoài chín chục tuổi ốm mệt khó qua khỏi, con cháu đã lo bàn hậu sự.
Dư luận trong làng đang xì xèo cho rằng con cái của cụ không đoàn kết, mỗi người một ý. Ông Hải là trưởng họ nên vội đến thăm cụ, tiện nghe cho cụ thể.
Vừa vào đến sân, ông Hải thấy ở nhà dưới con cháu của cụ đang họp bàn lo công việc. Anh Pha người con thứ của cụ nhìn thấy ông Hải trưởng họ đến, nhanh nhảu ra chào mời ông vào nhà trên thăm cụ rồi xuống nhà dưới cùng bàn. Sau khi thăm cụ, ra ngoài hiên ông Hải hỏi anh Pha:
- Tình hình cụ chiều hướng này khó qua khỏi, thế các cháu đã bàn lo hậu sự cho cụ chưa?
- Dạ! Mấy hôm nay anh em cháu bàn nhiều rồi nhưng vẫn chưa thống nhất ông ạ.
- Có điều gì mà chưa thống nhất? Dư luận trong làng họ đang xì xèo về anh em nhà cháu đấy - ông Hải nói giọng không hài lòng.
Suy nghĩ một lát, anh Pha tâm sự.
- Có ông là người nhà cháu mới nói thật. Thấy bố cháu thời gian sống chỉ tính bằng ngày, bằng giờ, mấy anh em chủ động bàn bạc lo hậu sự. Nếu bố cháu có mệnh hệ gì công việc cứ thế mà làm để người ta đỡ chê trách. Mọi cái đều thống nhất, chỉ còn việc đưa thi hài cụ đi hỏa táng hay hung táng là khác biệt. Một mình bác cả nhà cháu phản đối việc đưa cụ đi hỏa táng. Bác ấy giải thích, thứ nhất quê nhà mình chưa có phong trào. Hơn nữa anh em nhà mình không đến nỗi nào, nếu đưa bố đi hỏa táng người đời họ sẽ chê trách nói anh mình phủi tay, nhẹ gánh, bất hiếu...
- Hỏa táng hay hung táng đều được, có gì mà anh em căng thẳng với nhau vậy?- ông Hải dịu giọng.
Anh Pha giải thích:
- Đúng ra không có vấn đề gì, hung táng hay hỏa táng đều được. Nhưng nhà cháu thuộc trường hợp đặc biệt. Bố cháu sinh hạ được năm anh em, ba trai, hai gái, đều có gia đình riêng ổn định cả. Riêng chú thứ ba không may có thím ấy bị bệnh mất mấy năm nay, đang tính sang năm lo sang cát. Cứ tình trạng này, theo phong tục quê mình sang cát phải lo cho bố mẹ trước, con cái lo sau. Như vậy 3 năm sau khi lo sang nhà cho bố cháu mới sang được cho thím ấy. Chúng cháu thấy bây giờ nhiều trường hợp hung táng không được nuột nà, có nhà đào lên thấy chưa sạch lại phải chôn xuống, đau lòng lắm. Thế nên anh em cháu mới không đồng ý với ý kiến bác cả đưa ra.
Ông Hải giờ mới biết ngọn ngành câu chuyện. Ông trầm tư suy ngẫm. Với bao năm làm công tác dân vận, chả lẽ trong dòng tộc ông không vận động được việc này, phải vận động cá biệt mới được. Ông nói với anh Pha:
- Cháu vào gọi anh Phất giai trưởng ra đây ông có ý kiến.
Anh Pha vào gọi anh mình ra. Sau khi hỏi thăm vài câu xã giao, ông Hải nói ngay với anh Phất:
- Câu chuyện trong gia đình cháu ông biết cả rồi. Bố cháu tuổi cao, bệnh trọng, ông thấy ông ấy khó qua. Các cháu biết lo bàn hậu sự cho ông cụ là điều cần thiết. Khi bố cháu nằm xuống, mọi việc cần được thực hiện trôi chảy, hạn chế những điều người đời chê trách. Quan trọng là anh em trong nhà phải thống nhất với nhau. Anh là con trưởng, phải quy tụ được anh em, khi quyết định vấn đề gì phải nhận được sự đồng thuận cao.
Ngừng một lát ông Hải nói tiếp:
- Ông về quê mấy hôm nay nghe mọi người xì xào về anh em các cháu. Chỉ có mỗi việc hung táng hay hỏa táng mà không thống nhất nhau được, cứ “ông chẳng bà chuộc”, ông thấy rất buồn. Bây giờ, ông hỏi về việc này quan điểm của anh thế nào?
Anh Phất ngập ngừng:
- Dạ! Nay có ông về đây thăm bố cháu, cháu xin thưa chuyện với ông. Như ông đã thấy việc của bố cháu chỉ ngày một, ngày hai nên cháu thống nhất anh em lại. Công việc cháu đã quyết rồi, sẽ thực hiện theo truyền thống quê mình từ trước tới nay. Nhà cháu đông anh em, phải lo cho ông cụ hai lần mới được tiếng là chu đáo, không quản ngại, con cái kính hiếu với bố mẹ. Về kinh tế anh em con cháu đều có điều kiện nên chúng cháu không ngại.
Ông Hải giải thích:
- Như vậy anh hiểu chưa đúng chữ hiếu rồi. Việc hung táng hay hỏa táng đều được cả. Mình thực hiện theo phương pháp nào nó phụ thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Trường hợp của nhà cháu sau này còn lo việc của em dâu cháu nữa. Như vậy, hung táng là không phù hợp. Không phải lo cho các cụ lần nọ lần kia thật hoành tráng mới là có hiếu. Việc còn chưa diễn ra mà trong nội bộ đã lục đục, để thiên hạ bàn ra tán vào thì đâu còn gọi là con cái có hiếu. Cái chính là sau khi các cụ qua đời, anh em con cháu vẫn giữ tình đoàn kết, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau thực hiện quy định chung của địa phương. Đấy mới là thể hiện chữ hiếu với bố mẹ. Việc hỏa táng nhiều nơi họ vẫn thực hiện có sao đâu, quê mình nhiều người vẫn hiểu chưa đúng, chưa muốn tiếp cận cái mới.
Nghe ông trưởng họ giải thích, anh Phất có vẻ xuôi xuôi.
- Vâng! Việc này chúng cháu sẽ bàn, phân công lại theo hướng ông nói.
ĐOÀN TUYNH