Mức sinh thấp, chênh lệch giới tính khi sinh ở mức cao và tốc độ già hóa tăng nhanh là 3 thách thức mà dân số Việt Nam đang phải đối mặt.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nói như trên tại Lễ phát động tháng hành động Quốc gia về Dân số năm 2024, ngày 10/12, thêm rằng công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam ở hiện tại và tương lai.
"Việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc chưa thật sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp", Thứ trưởng Thuấn nói. Năm 2023, tỷ suất sinh ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con/phụ nữ.
Dân số trung bình năm 2023 Việt Nam ước tính 100,3 triệu người, tăng gần 835.000 người so năm trước. Trong 10 năm 2013-2023, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng khoảng 1 triệu người.
Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ ba khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines, đứng thứ 15 trên thế giới. Song tỷ lệ gia tăng dân số liên tục giảm từ năm 1999 là 1,7% xuống còn 1,14% năm 2019 và 0,85% vào năm 2023. Tổng cục Thống kê dự báo, ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0. Còn ở phương án mức sinh thấp, 35 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với tỷ lệ tăng dân số ở mức âm.
Tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Năm 2023, tỷ số này là 112 bé trai/100 bé gái, giảm nhẹ so với năm 2022, trong khi tỷ số tự nhiên khoảng 105/100.
Mất cân bằng giới tính tác động xấu tới cấu trúc dân số tương lai và dư thừa nam giới. Năm 2020, Tổng cục Thống kê dự báo Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034 và thừa 1,8 triệu vào năm 2059 nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao. Thiếu phụ nữ tạo áp lực kết hôn sớm với trẻ em gái, dễ dẫn tới bỏ học để lập gia đình và gia tăng buôn bán phụ nữ.
Cuối cùng, tốc độ già hóa dân số nhanh và sẽ sớm bước qua thời kỳ dân số vàng. Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.
Già hóa dân số đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi mắc nhiều bệnh không lây nhiễm cần điều trị suốt đời như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, sa sút trí tuệ. Già hóa dân số cũng làm cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cao hơn.
Ngoài ra, dân số Việt Nam cũng gặp nhiều vấn đề về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mang thai và sinh con ở người chưa thành niên, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống cần phải được cải thiện nhiều hơn... Trong khi đó, tổ chức bộ máy làm công tác dân số chưa ổn định, thiếu thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết bên cạnh thách thức, ngành dân số Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu. Người dân hiện nay sống thọ hơn, vượt chỉ tiêu về giảm tỷ lệ tử vong mẹ. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại của phụ nữ trong độ tuổi 15-49 tăng, đạt hơn 60%, góp phần nâng cao sức khỏe sinh sản cho mọi người.
Mục tiêu của ngành dân số là chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Vì vậy, Bộ Y tế đang xây dựng dự án Luật Dân số và các văn bản hướng dẫn thi hành, dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới.
VN (theo VnExpress)