Đọc bài viết “Giữ sạch đồng làng” của tác giả Nguyễn Đức Trạch đăng trên báo Hải Dương ngày 9.8.2018, tôi rất đồng tình với tác giả về vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường ở nông thôn hiện nay.
Tôi vẫn thường về quê vào cuối tuần. Trên đường về quê và những buổi sáng đi tập thể dục, tôi thấy la liệt các loại túi nilon, vỏ chai thuốc trừ sâu… vứt khắp nơi ngoài đồng. Điều đáng nói là có nhiều thùng rác đổ bằng bê tông rất tiện lợi nhưng người dân không vứt vào đó mà tiện đâu vứt đó, thậm chí vứt ngay dưới chân thùng rác.
Ai cũng biết rằng những loại rác nông nghiệp như vỏ chai lọ thuốc trừ sâu, túi nilon là những thứ rác khó phân hủy, rất độc hại với môi trường. Nhưng do ý thức kém nên nhiều người dân vẫn đang tự hủy hoại môi trường sản xuất và môi trường sống của chính mình, ẩn chứa nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, tôi thấy rất nhiều người dân lạm dụng thuốc diệt cỏ. Thay vì làm cỏ thủ công, nhiều người lại mua thuốc diệt cỏ phun tràn lan khắp nơi. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng về lâu dài tới môi trường và sức khỏe của chính những người dân lao động. Nếu không nâng cao ý thức trong sản xuất, tích cực bảo vệ môi trường sống, người dân sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của bệnh tật, nghèo khổ như rất nhiều trường hợp ở các vùng nông thôn hiện nay.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng quê hiện nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, giáo dục tới nhân dân thì bản thân mỗi người dân phải thực sự vào cuộc, nâng cao trách nhiệm trong sản xuất, sinh hoạt, thu gom rác đúng quy định, gương mẫu thực hiện và giám sát, nhắc nhở nhau chấp hành nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Các địa phương cần xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, không để tạo tiền lệ xấu về ý thức và hành động bảo vệ môi trường ở nông thôn.
PHẠM XUÂN THÔNG(Gia Lộc)