Chị Phạm Thị Hải Thanh, nữ doanh nhân người Hải Dương, đã vượt qua nhiều chông gai, từng bước đưa thương hiệu các sản phẩm bao bì Việt vươn tầm quốc tế.
Chủ tịch Phạm Thị Hải Thanh thăm quan, tọa đàm cùng Phòng Thương mại San Francisco, Mỹ trong khuôn khổ hội nghị Thượng Đỉnh APEC 2023 ngày 14/11 |
Nhờ những nỗ lực bền bỉ, sự đam mê, sáng tạo và khát vọng khởi nghiệp, muốn làm ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nhân Phạm Thị Hải Thanh đã vượt qua nhiều chông gai, từng bước đưa tên tuổi của Tập đoàn Haplast đến thành công, đưa thương hiệu các sản phẩm bao bì Việt vươn tầm quốc tế.
Bản lĩnh của người “thuyền trưởng” có tầm nhìn xa
Sinh năm 1980 tại Hải Dương, 18 tuổi, Phạm Thị Hải Thanh theo học Khoa Tiếng Anh - Trường Đại học Hà Nội. Năm 2000, chị tiếp tục học văn bằng 2 tại Khoa Kinh tế đối ngoại (Đại học Ngoại thương) để trang bị thêm kiến thức kinh doanh quốc tế. Sau nhiều cố gắng, năm 2002, chị đã sở hữu 2 tấm bằng đại học của hai trường danh giá bậc nhất tại Việt Nam.
CEO Phạm Thị Hải Thanh |
Con đường học hành khá thuận lợi, nhưng ít ai biết chị từng có thời gian vất vả, phải làm nhiều nghề cùng lúc để mưu sinh. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm giáo dục nhưng thấy bố mẹ và những người dân quanh năm “chân lấm tay bùn” mới chỉ đủ ăn, người phụ nữ trẻ ấy luôn tâm niệm phải làm gì đó ý nghĩa và tạo ra giá trị cho quê hương mình. Đặc biệt, khi hàng ngày chứng kiến rác thải phế liệu rải khắp các con đường, dòng sông đặc quánh ở quê nhà.
Nhờ kiến thức tốt cùng khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo, qua các cơ hội tiếp xúc với khách hàng nước ngoài tại nhiều nước, chị xác định bao bì là mặt hàng có thể phát triển và Việt Nam là một quốc gia có lợi thế về sản xuất.
Có trong tay vốn liếng kha khá, năm 2008, chị cùng chồng thành lập công ty thương mại chuyên nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bao bì, xuất khẩu. Đây cũng là công ty đầu tiên mang tên Hanoi Plastic Bag, với mong muốn kết nối nhiều công ty sản xuất bao bì tại Việt Nam đến với thị trường quốc tế.
Sau 8 năm hoạt động thương mại, tích lũy đủ tài chính và xây dựng mối quan hệ kinh doanh với nhiều quốc gia, năm 2017, chị Hải Thanh quyết tâm cải cách, đưa công ty trở thành đơn vị thuần sản xuất và đổi tên thành Công ty Cổ phần Haplast. Bước ngoặt quan trọng là sự ra đời nhà máy số 1 tại Ân Thi, Hưng Yên trên diện tích 15.000 m2 và công suất khoảng 12.000 tấn/tháng và xuất khẩu 10.000 tấn. Haplast mang nhiều ý nghĩa và chứa đựng tâm huyết của nữ CEO này: Haplast là Happy Last Forever - Hạnh phúc kéo dài mãi mãi.
Khát vọng đưa thương hiệu bao bì Việt Nam hiện diện tại tất cả các quốc gia trên thế giới
Thời điểm chuyển công ty thành đơn vị thuần sản xuất là thời điểm khó khăn nhất của Haplast. Mở ra nhà máy, công ty cần thời gian để thích ứng và tuyển nhân công cũng như đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại. Hạn chế nhân lực, thiếu vốn, chị Hải Thanh phải kiêm nhiệm nhiều vị trí, vừa quản lý nhà máy tại Hưng Yên vừa điều hành văn phòng chính tại Hà Nội. Tận dụng các kỹ năng và kiến thức của mình trong lĩnh vực đối ngoại, nữ doanh nhân đã dành nhiều tâm huyết nỗ lực bền bỉ, sự đam mê, nghiên cứu phát triển các sản phẩm bao bì xuất khẩu và kết nối kinh doanh với các khách hàng nước ngoài.
Haplast là doanh nghiệp đi đầu trong ngành sản xuất và cung cấp đa dạng các loại sản phẩm như túi thực phẩm, túi đựng rác, túi tái chế, túi mua sắm, túi phân hủy sinh học. Haplast đã phát triển mạng lưới khách hàng đến 90 quốc gia và vùng lãnh thổ với hai phân khúc sản phẩm chính là: Bao bì nhựa và bao bì tự hủy, thân thiện với môi trường.
Với những nỗ lực không ngừng trong việc tìm tòi phương thức tốt nhất để hoạt động như một tập đoàn xanh, hệ thống nhà máy của Tập đoàn Haplast có quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, được cấp chứng nhận bởi các tổ chức uy tín trên toàn thế giới như: ISO 9001: 2015, JIS, BRC, BSCI, OK Compost Home, OK Compost Industrial… Ngoài ra, Haplast còn là thành viên của Hiệp Hội nhựa Việt Nam và Sedex – tổ chức bán lẻ của UK.
Về những “bí quyết” chèo lái con thuyền Haplast Group, theo nữ doanh nhân Phạm Thị Hải Thanh, trước hết là yếu tố công nghệ. “Chúng tôi chủ động đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại cùng với nắm bắt tốt xu thế tạo ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng mà không phải công ty nào cũng có thể đáp ứng được”, chị chia sẻ.
Hiện Haplast sở hữu 3 nhà máy với quy mô, năng lực sản xuất cung ứng 5.700 tấn sản phẩm/tháng với các mặt hàng chủ lực. Theo nữ doanh nhân này, để nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, Haplast Group đang theo đuổi mục tiêu: “Trở thành một tập đoàn kinh tế phát triển hàng đầu Việt Nam theo mô hình Hệ sinh thái cung cấp các sản phẩm và dịch vụ bao bì thân thiện với môi trường”. Hiện các dòng sản phẩm túi và bao bì sinh học sử dụng một lần tự huỷ thân thiện môi trường được sản xuất bằng công nghệ cao, có quá trình phân huỷ trong 24 tháng đang dần trở thành xu hướng tiêu dùng.
Haplast Group tiếp tục xác định chiến lược phát triển dựa vào công nghệ, con người chuyên nghiệp, hệ thống vững mạnh, văn hóa doanh nghiệp lan tỏa, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cũng như cung cấp nhiều sản phẩm giá trị, hữu ích cho xã hội, con người và thân thiện với môi trường.
Chia sẻ về sự thành công, nữ doanh nhân Phạm Thị Hải Thanh cho biết người chồng chính là hậu phương vững chắc đối với chị. Với sự hậu thuẫn, thấu hiểu và chia sẻ của chồng, nữ doanh nhân Phạm Thị Hải Thanh tiếp tục tin tưởng sẽ chèo lái thành công con thuyền Haplast Group đến những mốc son mới trong tương lai.
TB (theo Thế giới và Việt Nam)