Chuyện ít biết về người Hải Dương ở thung lũng Kuc Gmối

28/08/2022 05:58

Bằng ý chí vươn lên mạnh mẽ, người Hải Dương đã đem đến diện mạo mới cho thung lũng Kuc Gmối và trở thành chủ lực phát triển kinh tế ở xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro (Gia Lai).


Ông Vũ Xuân Hệ (thứ hai từ trái sang) cùng đồng hương và phóng viên Báo Hải Dương trò chuyện bên vườn nhãn sai trĩu quả mang lại thu nhập khá

Từ đỉnh núi Kon Chiêng nhìn xuống, thung lũng Kuc Gmối ở xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro (Gia Lai) hiện lên như một lòng chảo, được phủ kín bởi màu xanh của cây cối xen lẫn là những ngôi nhà ngói đỏ. Ở đó, hàng trăm người Hải Dương đã kiên trì bám trụ suốt mấy chục năm qua, cùng nhau vượt qua nghèo khó, xây dựng cuộc sống ấm no và làm thay đổi nơi này từng ngày.

Từ ăn cá khô…

Dọc hai bên tuyến đường bê tông dẫn vào xã Đak Pơ Pho là những rẫy mía xanh tơ, thân vươn quá gối cùng bạt ngàn vườn cây ăn quả trĩu cành. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn nhãn rộng hơn 2,5 ha đang mùa thu hoạch, ông Vũ Xuân Hệ quê ở xã Tân Phong (Ninh Giang) khoe: “Năm nay nhãn được mùa hơn năm ngoái, giá cũng ổn định. Vụ này chắc trừ chi phí cũng thu lãi mấy trăm triệu đấy chú. Không chỉ nhà tôi mà nhiều gia đình người Hải Dương khác ở đây cũng vậy”.

Để có được thành quả như hôm nay, ông Hệ và những người Hải Dương vào Đak Pơ Pho xây dựng vùng kinh tế mới đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi, nước mắt. “Giữa năm 1999, vợ chồng tôi cùng 65 hộ dân từ Hải Dương khăn gói vào vùng đất này khai hoang, lập nghiệp. Ngày đó, nơi đây là rừng núi hoang vu, cây cối rậm rạp, không điện, đường, trường, trạm nên chẳng ai nghĩ sẽ trụ được lâu. Có người còn định bỏ về chỉ sau ít ngày vào đây khai hoang”, ông Hệ nhớ lại.

Thế nhưng, với ý chí vươn lên, vợ chồng ông Hệ người rìu, người cuốc bắt tay vào công cuộc mở đất. Ngày cơm nắm, cá khô, rau rừng, đêm trú trong ngôi nhà tạm nhưng họ không quản ngại, cùng nhau từng bước biến đất hoang thành ruộng rẫy. Làm đến đâu, vợ chồng ông trồng ngô, sắn đến đó. Khi cái ăn không còn phải lo, họ nghĩ đủ cách phát triển kinh tế, hết trồng mía rồi đến cây ăn quả như nhãn, vải, dừa... Ngoài 2,5 ha nhãn, vợ chồng ông Hệ hiện có 4 ha trồng mía, mỗi năm mang lại một khoản thu nhập không nhỏ. 

Cùng ở Hải Dương, gia đình chị Phạm Thị Trịnh quê ở xã Gia Lương (Gia Lộc) rời quê khi đứa con đầu lòng chưa đầy 6 tháng tuổi. “Ngày mới vào nhìn xung quanh thấy toàn rừng cây rậm rạp mà ngao ngán, chỉ muốn về. Nhà ở là túp lều dựng tạm bằng cây rừng, cơm chỉ có cá khô với rau dại. Cũng phải mất 2-3 năm cơ cực thì cuộc sống mới dần ổn định”, chị Trịnh kể.

Với bản tính cần cù, chăm chỉ, vợ chồng chị Trịnh đã ra sức khai hoang, trồng trọt, chắt chiu tích góp và biến những khu đất hoang thành vùng sản xuất cho giá trị kinh tế cao. Đến nay, gia đình chị có 8,5 ha mía và 2,5 ha cây ăn quả gồm na Thái, nhãn, bơ, mít… Thu nhập của gia đình chị Trịnh thuộc vào hàng “khủng” trong xã, khoảng 700-800 triệu đồng/năm. Mấy người hàng xóm nói chị Trịnh vẫn khiêm tốn vì chỉ tính riêng số tiền thu được từ dịch vụ cày đất mà chồng chị đang làm cũng đã vài trăm triệu đồng/năm. Bởi vậy, chẳng ai ngạc nhiên khi gia đình chị vừa xây được ngôi nhà trị giá mấy tỷ đồng. “Ngày đầu mới vào đã tính chuyện về quê nhưng chỉ vì không có tiền nên ở lại kiên trì bám trụ. Ai ngờ mảnh đất này đã giúp vợ chồng tôi có cuộc sống sung túc. Mà chẳng riêng nhà tôi, nhà nào người Hải Dương ở đây cũng thế”, chị Trịnh tự hào khoe.

So với những người quê Hải Dương ở Kuc Gmối, ông Phạm Minh Tuấn quê huyện Gia Lộc thuộc diện làm ăn “kém" nhất nhưng cũng sở hữu 3 ha điều và nhãn, thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Chỉ tay về mấy ngôi nhà cao tầng phía chân núi Kon Chiêng, ông Tuấn thông tin: “Đó là nhà của hai anh em ruột người huyện Tứ Kỳ. Giờ họ có gần 100 ha mía, mấy chục lao động làm thuê, ô tô các loại có cả chục chiếc, thu nhập thấp nhất cũng vài tỷ đồng/năm”.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, chị Phạm Thị Trịnh còn tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho đồng bào dân tộc Bahnar 

...đến chủ đạo trong phát triển kinh tế

Ngoài hệ thống giao thông đã bê tông 100%, một loạt các công trình từ trụ sở làm việc của Đảng uỷ, HĐND, UBND đến trường học, trạm y tế… của xã Đak Pơ Pho giờ đã được xây dựng khang trang, to đẹp. Tiếp chúng tôi, ông Trương Quang Giàu, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Cùng với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước thì người dân quê Hải Dương cũng rất tích cực ủng hộ, có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương được như hiện tại”.

Trước kia ở Đak Pơ Pho chỉ có đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống. Đak Pơ Pho được liệt vào xã đặc biệt khó khăn vì trình độ dân trí thấp, người dân quanh năm nghèo khó bởi duy trì nhiều hủ tục lạc hậu, lại thiếu kiến thức sản xuất. Kể từ khi vào đây, người Hải Dương với bản chất cần cù, chịu khó, tư duy nhạy bén đã biến vùng đất khô cằn thành nơi giàu sức sống. “Theo tiêu chí mới, xã hiện còn tới gần 60% số hộ nghèo nhưng tuyệt đối không có hộ dân nào quê Hải Dương thuộc diện này. Ở đây, người Hải Dương đang giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế”, ông Giàu khẳng định.

Nhiều loại cây trồng truyền thống đã được người Hải Dương đưa từ quê vào sản xuất thử nghiệm ở Đak Pơ Pho. Hợp đất, những vườn vải, nhãn, ổi, chanh, bí xanh, bí đỏ, ớt, dưa hấu… cứ thế sinh sôi, định kỳ ra hoa, kết trái, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, những cây trồng thế mạnh của Tây Nguyên cũng không ngừng được mở rộng diện tích, năng suất, chất lượng ngày càng nâng lên bởi bàn tay, khối óc của người Hải Dương. Đak Pơ Pho hiện đã trở thành vựa mía của huyện Kông Chro với diện tích hằng năm luôn duy trì từ 700 ha trở lên.  

Nhiều người đồng bào dân tộc Bahnar được người Hải Dương dạy cách viết và đọc tiếng Việt, nâng cao hiểu biết về kiến thức văn hoá - xã hội, từ bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, hướng tới cuộc sống ngày càng văn minh hơn. Họ biết lắng nghe, thực hành những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất mà người Hải Dương chia sẻ, từng bước đẩy lùi đói nghèo. 

Ghé thăm nhiều vùng sản xuất ở thung lũng Kuc Gmối, chúng tôi rất ấn tượng khi chứng kiến người quê Hải Dương đang ân cần “cầm tay chỉ việc” cho đồng bào Bahnar. Cái nắng rát bỏng của núi rừng Tây Nguyên khiến mồ hôi ướt đầm vai áo nhưng gương mặt đen sạm của họ thì vẫn tươi cười, bảo nhau chăm sóc cho từng chồi mía non xanh đang vươn mình. Có kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất mới nào là người Hải Dương lại hỗ trợ cho đồng bào bản địa áp dụng. Anh Đinh Vệ, một người dân bản địa nói: “Người từ Hải Dương vào đây đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Họ bảo tôi không được nghiện rượu và phải chịu khó làm ăn. Giờ thì tôi đã có thể tự trồng và thu hoạch mía, bơ, ngô. Nhà tôi không còn vất vả như trước nữa. Có thời gian tôi vẫn làm thuê thêm cho người Hải Dương, vừa có tiền lại vừa có kinh nghiệm”.


Một góc thung lũng Kuc Gmối nhìn từ trên cao

Chị Đinh Đêm đứng cạnh tươi cười nói xen vào: “Mấy chị người Hải Dương bảo tôi cách chăm sóc con cái khoẻ mạnh, giữ vệ sinh để không mắc bệnh. Các chị còn bảo không được để con lấy chồng, lấy vợ sớm mà phải đi học cái chữ sau này cuộc sống mới không nghèo”.

Cán bộ, người dân ở xã Đak Pơ Pho còn nể các hộ dân quê Hải Dương về sự hiếu học. Từ khi cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhiều gia đình vẫn đầu tư cho con cái đi học hành đầy đủ. Hiện tại, 100% số học sinh trong độ tuổi là con các hộ dân quê Hải Dương ở đây đều được đến trường. Một số cán bộ đang công tác trong khối Đảng, chính quyền của xã và huyện Kông Chro là người Hải Dương. Nhiều năm nay, hầu hết các gia đình người Hải Dương đều đạt danh hiệu văn hoá, không có ai vi phạm pháp luật…

Chẳng thể kể hết chuyện về người Hải Dương ở thung lũng Kuc Gmối. Nhưng những gì họ đã và đang làm được trên quê hương thứ hai thật đáng ngưỡng mộ và trân quý. Chia tay Đak Pơ Pho trong lòng chúng tôi rạo rực niềm vui vì bà con đồng hương từ trong khó khăn đã có cuộc sống ngày càng ấm no sau nhiều năm đi xây dựng vùng kinh tế mới… Lần sau nếu có dịp trở lại nơi này, chắc chắn chúng tôi sẽ còn chứng kiến nhiều đổi thay hơn nữa.

Xã Đak Pơ Pho nằm cách TP Pleiku (Gia Lai) khoảng 80 km về phía đông, diện tích tự nhiên hơn 5.000 km2. Toàn xã có 4 thôn, làng, 520 hộ dân với 2.400 nhân khẩu. Người Hải Dương vào đây lập nghiệp chủ yếu trong giai đoạn 1999-2003, hiện có 109 hộ, 325 nhân khẩu. Hơn 2 thập kỷ đã qua, người dân quê Hải Dương tại đây luôn đoàn kết, gắn bó với bà con bản địa trong mọi hoạt động. Mặc dù vẫn thuộc xã khó khăn nhưng Đak Pơ Pho đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận. Hội Đồng hương Hải Dương tại đây lấy ngày 4.4 hằng năm làm mốc kỷ niệm những ngày đầu vào lập nghiệp với nhiều hoạt động thiết thực.

TIẾN MẠNH - ÐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện ít biết về người Hải Dương ở thung lũng Kuc Gmối