Hàng nghìn con giun đất bò lên mặt đường, trên tường nhà người dân ở Vũng Tàu, sau những ngày cơn mưa lớn.
Sáng 14/12, anh Nguyễn Đăng Khoa, ở phường 12, TP Vũng Tàu chứng kiến cảnh hàng nghìn con giun đất bò lúc nhúc trên tường trước cổng và tiến vào bên trong khoảng sân nhà. Con đường phía trước nhà anh Khoa cũng ghi nhận đàn giun di chuyển với số lượng lớn.
Anh Khoa cho biết đã sống ở khu vực này nhiều năm, song đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh giun đất xuất hiện với số lượng lớn sau những cơn mưa kéo dài hai ngày qua. "Tôi dùng vòi nước xịt chúng ra ngoài. Đến trưa nay vẫn còn một ít giun bò trên mặt đất", anh Khoa nói.
Bà Võ Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường 12 cho biết hiện tượng này địa phương ghi nhận xảy ra ở khu vực đất trống chỉ có ba nhà dân sinh sống.
Theo bà Hồng, nơi này trước đây là bãi sình lầy, sau đó được san lấp lại. Mấy ngày nay mưa nhiều, gây ngập nước khiến "giun khó thở hay lý do gì đó" đã bò lên. Những nơi khác trên địa bàn không ghi nhận tình trạng này.
Các nhà khoa học trên thế giới có nhiều giả thuyết về lý do giun đất bò lên khi mưa. Theo Thea Whitman, nhà khoa học nghiên cứu đất tại Đại học Wisconsin-Madison, giun không có phổi, chúng hấp thụ oxy qua da và có thể hấp thụ từ cả nước lẫn không khí. Tuy nhiên, Whitman lưu ý rằng một số loài cần mức oxy cao dễ có khả năng bò ra khỏi hang khi trời mưa.
Một khả năng khác là nước mưa trong đất gây hại cho giun theo cách nào nó. Ví dụ, khi mưa có tính axit, hoặc khi các hóa chất có hại như kim loại nặng được giải phóng.
Còn bà Kevin Butt, nhà sinh thái học giun đất tại Đại học Central Lancashire (Anh) cho rằng giun bò lên khi mưa dễ di chuyển nhanh hơn trên mặt đất ướt, thay vì chậm chạp đào bới qua đất như thường lệ. Chúng có thể thực hiện những chuyến đi như vậy để giao phối hoặc di cư.
HQ (theo VnExpress)