Góc nhìn

Giun đất - "bạn" của nhà nông

DƯƠNG LAN 02/03/2024 07:00

Giun đất - "bạn" của nhà nông giúp cải tạo đất trồng cây miễn phí, cần được bảo vệ và tạo điều kiện sinh sôi vì một nền nông nghiệp bền vững.

mo-hinh-trong-ca-rot-cua-cac-xa-ven-de-cho-thu-nhap-kha..jpg.jpg
Bảo vệ giun đất để giữ những vùng rau màu của Hải Dương

Tôi có anh bạn chấp nhận bỏ nghề cơ khí từ Sài Gòn về quê ở huyện Thanh Miện làm nông nghiệp hữu cơ. Đầu xuân đến thăm anh, tôi không khỏi bất ngờ khi những mảnh ruộng hoang ngày nào đã trở thành những vườn cà chua, dưa leo, củ cải tươi tốt. Đưa tôi đi thăm vườn, anh bất chợt hỏi:

- Tôi có thể viết tâm thư gửi Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về tình trạng tận diệt giun đất được không?

Anh bảo, gần Tết thấy nở rộ rất nhiều hội, nhóm đăng thông tin mua bán giun đất với giá cao. Họ còn quảng cáo cả máy bắt giun đất. Anh lo “người bạn” của nhà nông bị tận diệt và những "cỗ máy" thiên nhiên cải tạo đất trồng miễn phí không còn thì những người ham làm giàu từ nông nghiệp như anh sẽ gặp khó khăn.

Câu chuyện “giun tặc” những tưởng đã lắng xuống khi nhiều cơ quan, ban, ngành trong cả nước vào cuộc tuyên truyền, kiểm tra. Thậm chí, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã căn cứ vào điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất để xử phạt những “giun tặc” với mức hơn 100 triệu đồng. Câu chuyện tận diệt giun đất khiến anh bạn tôi đã có ý định gửi tâm thư cho Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan làm không ít người suy nghĩ.

giun-1-(1).png
Nhiều người công khai bán máy bắt giun đất trên mạng xã hội

Tại sao người ta lại săn lùng giun đất? Tìm hiểu tôi được biết những năm qua tại nhiều nơi ở Trung Quốc, giun đất đã trở thành nguyên liệu để làm thuốc đông y, thực phẩm chức năng. Thậm chí, nhiều người Trung Quốc còn coi giun đất là “mỹ vị” có thể giúp tăng cường sức khỏe. Có cầu, ắt có cung. Đáp ứng nhu cầu của thương lái Trung Quốc, nhiều người dân Việt Nam đã đào bới tìm giun đất để bán. Từ bắt giun đất thủ công, giờ nhiều người còn dùng cả máy móc được gọi là “máy địa long” để tận diệt loại sinh vật này.

Với nhiều nông dân Việt Nam, giun đất là người bạn. Theo các nhà khoa học, giun đất có thể giúp tái chế chất hữu cơ thông qua tiêu hóa xác thực vật và động vật chết, bài tiết dưới dạng phân giàu chất dinh dưỡng. Giun đất có thể tái chế tới 20 tấn chất hữu cơ/ha mỗi năm, qua đó giúp cải thiện độ phì nhiêu và năng suất của đất.

Đất đai sẽ ra sao nếu giun đất bị bắt hết? Đất chắc chắn sẽ cằn cỗi, nhiều vùng trồng cây tốt tươi, màu mỡ sẽ giảm dần vì giun đất biến mất. "Cỗ máy" làm đất của thiên nhiên giúp nhà nông cải tạo đất trồng miễn phí hằng năm cần được bảo vệ.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hải Dương chưa có hiện tượng người dân bắt giun đất để bán hay dùng máy kích giun tận diệt loài vật này. Hải Dương là quê hương của những vựa rau, vựa lúa. Nhiều nông sản Hải Dương nổi tiếng trong nước và đã xuất khẩu ra nhiều nơi trên thế giới. Có được những vùng nông sản như vậy thì việc chăm sóc, bảo vệ, tăng tuổi thọ cho đất trồng rất cần thiết và việc bảo vệ giun đất cũng cần làm.

Ngoài nói không với tận diệt giun đất, việc bảo vệ môi trường sinh thái cho các sinh vật có lợi cho cây trồng sinh sống cũng cần được nông dân chú trọng. Chẳng hạn như giảm dần lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tăng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, xây dựng quy trình canh tác phù hợp để đất trồng được nghỉ ngơi sẽ giúp cho đất tốt mà môi trường sinh thái được cân bằng, giun đất cũng sẽ có môi trường sinh sôi và phát triển.

Xu hướng nông nghiệp xanh, sạch, tuần hoàn đang dần được ưa chuộng. Vì vậy, giun đất sẽ giúp nhà nông thực hiện xu hướng canh tác này. Sản xuất xanh, sạch, gắn liền với bảo vệ đa dạng sinh học cũng là cách để nông dân Hải Dương bảo vệ chính tài sản của mình lâu dài và bền vững.

DƯƠNG LAN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giun đất - "bạn" của nhà nông