Trong cuốn Thơ Việt Nam thế kỷ 20 (thơ trữ tình), Nhà xuất bản Giáo dục năm 2005, Trần Ninh Hồ được tuyển chọn 2 tác phẩm: Thủng thẳng với mùa xuân và Ai qua Uy Viễn.
Trong cuốn Thơ Việt Nam thế kỷ 20 (thơ trữ tình), Nhà xuất bản Giáo dục năm 2005, Trần Ninh Hồ được tuyển chọn 2 tác phẩm: Thủng thẳng với mùa xuân và Ai qua Uy Viễn. Trong Thủng thẳng với mùa xuân, Trần Ninh Hồ có hai câu thật độc đáo: "Chợt ước thành đom đóm/ Vừa bay vừa giật mình".
Dựa vào ý hai câu thơ này, trên một tờ báo, có lần có người đã thực hiện một bài phỏng vấn với cái tít rất được: Trần Ninh Hồ và “giấc mơ đom đóm”.
Đấy là trong thơ, còn trong cuộc đời, Trần Ninh Hồ là người vừa hài hước vừa thông minh.
Để đùa những người có ý định làm lạ thơ bằng cách viết lạ, ông viết: "Cố làm lạ câu thơ/ Bằng những câu thơ lạ". Để đùa những người làm thơ luôn dựa vào nhãn mác của người khác, ông viết: "Làm thơ là sự đã liều/ Thêm thằng đề tựa như diều đứt dây". Có lần, ông nói với một bạn viết: Đừng nên “trồng cây chuối” trong thơ. Hãy đi bằng đôi chân của mình. Mà trong tình yêu, cũng không nên làm cái việc “trồng cây chuối”. Đơn giản vì cái động tác này (đi bằng tay) không diễn ra được lâu đâu, quá lắm là mươi, mười lăm phút thôi. Và cái động tác này, nếu có làm thì cũng chỉ nên làm trên sàn diễn, như tham gia biểu diễn một tiết mục trên sân khấu xiếc chẳng hạn.
Có một chuyện có liên quan đến một tập thơ tình của tác giả T. viết tặng riêng cho vợ ông ta. Trần Ninh Hồ kể rằng, tập thơ này rầt dày, có in nhiều thơ của tác giả T. và nhiều ảnh vợ tác giả. Trần Ninh Hồ đến nhà tác giả T. chơi. Trước khi dùng bữa tối, tác giả T. hỏi cảm tưởng và nhận xét của ông về thi phẩm này. Ngay lập tức, Trần Ninh Hồ ứng khẩu thành thơ: "Xem thơ và đọc ảnh/ Thơ và ảnh như nhau/ Xem thơ, không thể chậm/ Đọc ảnh, càng phải mau".
Trong trường hợp này, Trần Ninh Hồ đã khéo chuyển từ đọc thơ sang xem thơ, từ xem ảnh sang đọc ảnh và có lời chê rất kín qua các câu: "Thơ và ảnh như nhau/ Xem thơ, không thể chậm/ Đọc ảnh, càng phải mau".
Nghe xong, tác giả T. suýt nổi đóa. Nhưng sau do thấy lời chê cũng có lý, lại quá sắc sảo, nên tác giả T. đành im lặng… tiếp thu. Tác giả T. nói nhỏ: Ông coi như chỉ đọc mấy câu thơ này cho tôi nghe thôi đấy. Đừng để vợ tôi nghe thấy, kẻo chúng ta không được uống rượu vui vẻ tối hôm nay đâu.
NGỌC TUYỂN(st)