Tại phiên họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hải Dương sáng 17/7, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng yêu cầu Ban Chỉ đạo nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định miễn 100% phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Kết luận phiên họp của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hải Dương (Ban Chỉ đạo) sáng 17/7, đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024, Hải Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số, từ thể chế, nhận thức số, kinh tế số, an toàn thông tin. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, đến từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng yêu cầu Ban Chỉ đạo đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, sớm ban hành quy định miễn 100% phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Về hạ tầng công nghệ thông tin, Hải Dương đã xác định phương án thuê. Đây là hướng đi tỉnh đã xác định từ sớm, do vậy Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng yêu cầu Ban Chỉ đạo tập trung, khẩn trương thực hiện với từng phần việc cụ thể.
Về Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), Trung tâm Điều hành an ninh mạng (SOC), Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng yêu cầu phải có tiến độ thực hiện cụ thể, tập trung tháo gỡ các vướng mắc và khẩn trương đưa vào hoạt động phục vụ nhân dân.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng đề nghị Công an tỉnh quyết liệt hơn nữa trong triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Đây là nhiệm vụ gắn chặt chẽ với lộ trình chuyển đổi số của tỉnh. Về thực trạng cấp xã có 2 tổ: tổ chuyển đổi số cộng đồng và tổ công tác Đề án 06 có thể nảy sinh chồng chéo, ảnh hưởng tới nhiệm vụ chung, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng yêu cầu làm rõ trong báo cáo và nêu trong kết luận phiên họp, làm cơ sở để UBND tỉnh xem xét sáp nhập. Ngoài ra, cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ thành viên của những tổ chuyển đổi số này. Đồng chí đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh tăng cường tập huấn cho các nhóm đối tượng về công nghệ số.
Tại phiên họp, thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, làm rõ một số vấn đề về chuyển đổi số tỉnh như triển khai Đề án 06, trong đó có việc triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình; thuê hạ tầng công nghệ thông tin; khả năng vận hành của hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; cơ sở dữ liệu; an toàn, an ninh thông tin mạng; nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các đơn vị, địa phương; tập huấn công nghệ thông tin; sản phẩm số cụ thể; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng.
6 tháng đầu năm 2024, lộ trình chuyển đổi số của Hải Dương đã đạt nhiều kết quả cụ thể. Tỉnh lần đầu tiên công bố kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp sở, cấp huyện trên địa bàn tỉnh.
Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hải Dương đạt 17,5%. Toàn tỉnh có 150.104 hộ sản xuất nông nghiệp đang hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, 173.732 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, 1.162 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử; phát sinh 41.132 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, xếp thứ 7 toàn quốc.
100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã xây dựng mạng nội bộ (LAN) và kết nối internet cáp quang; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%.
Triển khai tập huấn kỹ năng số cho gần 3.600 học viên là cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh qua nền tảng trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Toàn tỉnh hiện có 390 điểm phục vụ bưu chính, mỗi điểm có bán kính phục vụ bình quân 1,2 km, phục vụ mức dân số bình quân 3.500 người. Có 3.229 trạm thu phát sóng di động (BTS) tại 1.565 vị trí. Phủ sóng 3G, 4G tới 100% dân số của tỉnh. Hơn 1,7 triệu thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone, đạt 87% điện thoại thông minh/100 dân.
Theo thống kê từ Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số EMC, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 87%, trong đó tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 16%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 83%; tỷ lệ trả kết quả theo hình thức trực tuyến đạt 100%. Kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt mức 98,89%.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đạt gần 93%, tăng gần 18% so với cuối năm 2023.
Mức độ hài lòng của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia ở mức cao. Trong đó tỷ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị đạt 99%. Tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt 95,55%.