Sáng 14/1, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế và kịch bản tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Kế hoạch kịch bản chi tiết
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá rất cao việc UBND tỉnh đã kịp thời ban hành Kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2025 chi tiết đến từng quý với mục tiêu giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP theo giá so sánh) năm 2025 phấn đấu đạt 132.632 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2024 (Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu trên 10%). Điều này, thể hiện tính chủ động, sự quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương cần bám sát các kịch bản tăng trưởng, thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước đạt kế hoạch đề ra; khẩn trương ban hành kế hoạch và triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, đô thị để mở rộng không gian phát triển. Khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt...
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh các đơn vị, địa phương chủ động thực hiện kịch bản điều hành ngân sách ngay từ đầu năm 2025; tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản, thiết yếu; ưu tiên bố trí nguồn lực để giải quyết dứt điểm các công trình đã hoàn thành việc nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng; đầu tư hoàn thiện các công trình dở dang, không để lãng phí. Trong đó, tập trung làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 với việc xây dựng kịch bản chi tiết cho từng quý, từng tháng, từng công trình. Phấn đấu khởi công các dự án trọng điểm đúng tiến độ ngay từ những tháng đầu năm.
Phát biểu giao nhiệm vụ, đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đây là lần đầu tiên tỉnh Hải Dương xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết tăng trưởng kinh tế; kịch bản giải ngân vốn đầu tư công chi tiết đến từng tháng, từng quý, từng khu vực, từng công trình, dự án với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cao hơn, mang tính đột phá hơn. Điều này, phản ánh quyết tâm, ý chí, khát vọng phát triển của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh.
Để triển khai thực hiện các kịch bản này, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đạt 12%, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể cho các sở, ngành, địa phương theo từng tháng, từng quý. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đối với khu vực 1, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các địa phương tham mưu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp…
Đối với khu vực 2, đẩy mạnh ưu tiên đầu tư, thúc đẩy đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, một số khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, hạ tầng công nghệ thông tin để thúc đẩy mạnh mẽ khu vực công nghiệp, xây dựng. Tập trung rà soát, phân loại có giải pháp căn cơ, cụ thể để xử lý, tháo gỡ khó khăn với từng dự án có sử dụng đất tồn đọng kéo dài, không để gây thất thoát, lãng phí, tạo tiền đề phát triển nhanh, bền vững.
Các sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương tập trung rà soát các quy hoạch, kế hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất, kế hoạch phát triển nhà ở để triển khai thủ tục đầu tư và khởi công một số dự án quan trọng, tạo động lực phát triển như dự án hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cảng logistic tại Kinh Môn và Ninh Giang; một số dự án động lực như: khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng hồ Bến Tắm, hồ Thanh Long… Triển khai một số đô thị trung tâm TP Hải Dương như: khu Nhà máy Sứ, khu khách sạn Hoa Hồng; một số bệnh viện chất lượng cao…
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu các giải pháp để tăng tốc xây dựng hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ban Quản lý các khu công nghiệp đôn đốc khẩn trương hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp đang đầu tư xây dựng (Đại An mở rộng, Phúc Điền mở rộng, Gia Lộc, Kim Thành, Tân Trường mở rộng, Lương Điền – Ngọc Liên); tham mưu các giải pháp nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để lấp đầy các khu công nghiệp, trong đó ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư trên 1 ha cao hơn trung bình các tỉnh lân cận (phấn đấu tối thiểu đạt khoảng 9 triệu USD/ha).
Sở Kế hoạch và Đầu tư bám sát, tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành Trung ương để sớm phê duyệt Đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công và các dự án quan trọng trên địa bàn theo kế hoạch, tiến độ các dự án đã đề ra; chủ động giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền; khẩn trương chỉ đạo ban quản lý dự án cấp huyện, các chủ đầu tư hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt quyết toán các công trình cấp huyện, cấp xã đã thi công hoàn thành nhưng chưa quyết toán trong quý 1. Từ nay trở đi quyết tâm làm tới đâu quyết toán tới đó, không phát sinh các công trình nợ đọng.
Đối với khu vực 3, để phát triển dịch vụ tương xứng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tham mưu thực hiện để thúc đẩy ngành du lịch đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ chất lượng cao...
Sở Tài chính nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh giải pháp tạo nguồn thu ngân sách ổn định bền vững, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ đất. Phối hợp với Cục Thuế tỉnh và các địa phương phấn đấu tổng thu ngân sách đạt 31.900 tỷ đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện kế hoạch kịch bản tiến độ thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, bảo đảm giải ngân đạt ít nhất 95% tổng vốn đầu tư công được giao (10.452,6 tỷ đồng) tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư đối với các công trình, dự án trọng điểm để tạo động lực tăng trưởng mới.
Sở Xây dựng chủ trì phối hợp xây dựng các bước, thời gian và trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện dự án đầu tư công. Trong đó, làm rõ thời gian thực hiện từng công việc, thủ tục cụ thể. Đối với các thủ tục có trong bộ thủ tục hành chính đã được công bố thì rút ngắn ít nhất 50% thời gian thực hiện; đối với các thủ tục chưa có trong bộ thủ tục hành chính thì xây dựng quy trình, thời gian cụ thể theo hướng rút ngắn tối đa thời gian thực hiện (hoàn thành trong tháng 2/2025).
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết hoàn thành thủ tục đầu tư dự án, lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án…
Hiến kế thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế
Trước đó, hội nghị nghe đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân trình bày Kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế và kịch bản tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Đây là lần đầu tiên Hải Dương xây dựng kịch bản chi tiết tăng trưởng kinh tế và kịch bản tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Hội nghị đã tập trung thảo luận, làm rõ những khó khăn, thuận lợi trong thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế và kịch bản tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025; đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả kế hoạch kịch bản.
Cục trưởng Cục Thống kê Phạm Bá Dũng khẳng định việc xây dựng kịch bản chi tiết từng quý không chỉ khác biệt với chính chúng ta mọi năm mà theo cục nắm được, nhiều tỉnh trong cả nước cũng chưa xây dựng kịch bản chi tiết như vậy. Tham luận của Cục trưởng Cục thống kê chỉ rõ những thuân lợi, khó khăn, những nguồn lực cho tăng trưởng năm 2025. Qua đó, ông Phạm Bá Dũng nhận định: “Mặc dù mục tiêu 12% là khó, nhưng không phải là nhiệm vụ không thể hoàn thành. Qua rà soát các dự án, công trình dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm, chúng tôi nhận thấy mục tiêu này vừa có cả tính phấn đấu, thể hiện khát vọng phát triển; nhưng vẫn có tính khả thi, phù hợp với thực tế”.
Để thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2025, Chủ tịch UBND huyện Kim Thành Phạm Quang Hưng đề xuất ngoài thực hiện quyết liệt các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công; phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án cần chấn chỉnh ngay những hạn chế, bất cập; lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Ban quản lý dự án, chủ đầu tư và nhà thầu lập tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành, giải ngân vốn đầu tư công cho từng dự án. “Có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công”, ông Hưng kiến nghị.
Đồng chí Giám đốc Sở Công thương Trần Văn Hảo bày tỏ nhiệm vụ giao cho ngành công thương như: tổng sản phẩm ngành công nghiệp tăng 14,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 14%; kim ngạch nhập khẩu tăng 15,5% so với năm 2024 là những mục tiêu lớn và khó với ngành công thương. Để thực góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của tỉnh, Sở Công thương sẽ thường xuyên nắm bắt và phối hợp kịp thời với các ngành liên quan giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đề xuất các giải pháp thúc đẩy khu vực dịch vụ, đây được xác định là lĩnh vực còn tiềm năng nhưng chưa khai thác hết...
Chi tiết kịch bản xem TẠI ĐÂY:
HÀ VY - THÀNH CHUNG