Hải Dương đang xây dựng một số chính sách hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nếu được thông qua, đây sẽ là nguồn động lực để nâng cao hiệu quả hoạt động cho lực lượng này.
Dự kiến hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm
Hiện nay, UBND tỉnh Hải Dương đang lấy ý kiến dự thảo tờ trình, nghị quyết trình HĐND tỉnh xem xét quy định một số chính sách của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, UBND tỉnh đề xuất người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế bằng mức đóng bảo hiểm y tế gia đình và 100% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
Nhiều thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh phấn khởi với đề xuất chính sách này. Ông Lê Đình Thuỷ, thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thôn An Đoài, xã An Bình (Nam Sách) làm nghề nông, cả gia đình có thu nhập thấp, mức sống trung bình nên được hỗ trợ một phần tiền đóng bảo hiểm y tế.
Ông Thủy cho biết: "Hiện nay, tiền mua bảo hiểm y tế khá cao, nhất là khi mức đóng vừa tăng theo mức tăng lương cơ sở. Vậy nên chúng tôi rất mong chính sách hỗ trợ 100% sẽ sớm được thông qua để động viên người tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở", ông Thuỷ chia sẻ.
Qua khảo sát, toàn tỉnh có 4.242 người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong số này, ngoài nhiều người đã được hưởng theo chế độ thì còn 582 người chưa tham gia bảo hiểm y tế và 3.160 người chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Dự kiến, nếu áp dụng chính sách hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế là 81.000 đồng/người/tháng và bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng là 297.000 đồng/người/tháng cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì số tiền chi gần 13,3 tỷ đồng/năm.
Anh Nguyễn Trọng Đô, sinh năm 1971 ở thôn Ngọ, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cho biết 3 thành viên trong Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn đều chưa ai tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Các thành viên trong tổ đều trên dưới 50 tuổi và mong muốn gắn bó lâu dài, trách nhiệm với công việc.
“Nếu được hỗ trợ toàn bộ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, sau này không đủ sức để tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, chúng tôi có thể được hưởng chế độ lương hằng tháng, sẽ yên tâm hơn để gắn bó với công việc”, anh Đô thông tin.
Thu hút người trẻ, có trình độ
Ngoài khoản hỗ trợ trên, theo dự thảo đang được xây dựng, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học các trường trong hệ thống giáo dục, nếu không kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách khác tại cơ sở sẽ được hỗ trợ thêm. Cụ thể, trình độ trung cấp được 491.000 đồng/người/tháng; cao đẳng được 819.000 đồng/người/tháng; đại học 1.614.600 đồng/người/tháng.
Hiện nay, sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở các thôn, khu dân cư đã được kiện toàn cơ bản đáp ứng đủ số lượng theo quy định và bước đầu phát huy vai trò của mình. Do thành viên tham gia các tổ bảo vệ an ninh, trật tự nòng cốt là lấy từ lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách, đội dân phòng trước đây nên phần lớn tuổi từ trung niên trở lên, ít người trẻ, có trình độ cao đẳng, đại học.
Theo số liệu tổng hợp của huyện Cẩm Giàng, có 70% số thành viên tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự của địa phương trên 50 tuổi và 50% số thành viên có trình độ THCS.
Thiếu tá Bùi Quang Hợp, Trưởng Công an xã Kim Anh (Kim Thành) cho biết địa phương hiện có 7 tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở các thôn với 21 thành viên. Trong số này, chỉ có 1 thành viên có trình độ cao đẳng. Thực tế công tác cho thấy, các thành viên đều là người nhiệt tình, có trách nhiệm, hiểu biết địa bàn nhưng những nếu có thêm người trẻ có trình độ thì hiệu quả, chất lượng công việc sẽ cao hơn. “Chúng tôi hy vọng khi chế độ trên được thông qua sẽ tạo thêm động lực, sức hút để người trẻ, có trình độ yên tâm tham gia vào tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở các thôn, khu dân cư trên địa bàn", Thiếu tá Bùi Quang Hợp nói.
DANH TRUNG - PHONG TUYẾT