Bất chấp dịch COVID-19, năm 2021, tỉnh Hải Dương đã có một mùa vải bội thu, tiêu thụ thuận lợi.
Đây cũng chính là điểm sáng của ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương trong nửa đầu năm 2021. Thành quả này đến từ sự đồng bộ sản xuất đảm bảo chất lượng, xúc tiến thương mại có nhiều đột phá, đa dạng kênh tiêu thụ và thị trường xuất khẩu được mở rộng.
Chia nhóm thị trường để sản xuất
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức, xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà có gần 100 hộ trồng vải với diện tích khoảng 190ha. Nhớ lại thời điểm đầu vụ, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Hải Dương, ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức cho biết, ở giai đoạn đó, tâm lý người sản xuất cũng có phần lo lắng. Tuy nhiên, không ai chán nản mà bỏ bê việc chăm sóc cây vải mà xác định "càng khó khăn lại càng phải quyết tâm, tập trung làm ra quả vải sao cho đạt chất lượng tốt nhất”.
Tỉnh Hải Dương có 9.168 ha vải thiều, tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà và TP Chí Linh. Do tác động của dịch COVID-19, nhiều loại nông sản khó tiêu thụ, nhưng, trong bối cảnh đó, Hải Dương vẫn đặt mục tiêu vụ vải năm nay sẽ tăng tối đa sản lượng xuất khẩu đi các thị trường khó tính, mở rộng thị trường, tăng giá bán.
Để giải bài toán này, ngành nông nghiệp Hải Dương đã xây dựng kế hoạch, đánh giá thị trường để đưa ra phương án tổ chức sản xuất. Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, tỉnh xác định mở rộng diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng vải xuất khẩu.
Việc quy hoạch các vùng sản xuất được chia thành 3 nhóm: nhóm nguyên liệu phục vụ xuất khẩu Trung Quốc; nhóm phục vụ xuất khẩu các thị trường khó tính hơn như Nhật Bản, Singapore, Australia, châu Âu… và nhóm phục vụ tiêu thụ nội địa; trong đó, 450 ha vải trồng theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu được hướng dẫn sản xuất theo quy trình GlobalGAP, được kiểm tra, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn nước nhập khẩu với hơn 800 hoạt chất.
Tỉnh Hải Dương đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp 137 mã số vùng trồng vải xuất khẩu, tổng diện tích trên 9.000 ha, 70 mã số cơ sở đóng gói vải phục vụ xuất khẩu và 4 buồng xử lý Methybromide cho vải xuất khẩu sang Nhật Bản.
Trong quá trình sản xuất, ngành nông nghiệp mà trực tiếp là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đồng hành cùng địa phương, người nông dân trồng vải Thanh Hà và Chí Linh ngay từ đầu vụ. Chi cục đã tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho trên 50 cán bộ kỹ thuật cấp huyện, xã; 80 đại lý kinh doanh vật tư thuốc bảo vệ thực vật và trên 5.000 hộ nông dân về quản lý vùng trồng, quản lý dịch hại, phương pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh để vải đáp ứng các tiêu chí của từng thị trường.
Với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), chi cục đã hướng dẫn, tập huấn cho nông dân các vùng sản xuất vải xuất khẩu cách ghi chép bằng nhật ký điện tử thay vì sổ tay. Nông dân còn được hướng dẫn cách đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc, cách tiếp cận và bán hàng qua các sàn thương mại điện tử.
Nỗ lực của ngành nông nghiệp, các địa phương và người nông dân đã được đền đáp. Toàn bộ sản lượng vải xuất khẩu đều cho kết quả giám định hơn 800 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật đều đạt chỉ số tốt nhất được các thị trường khó tính đón nhận và đánh giá cao. Vải thiều Hải Dương chinh phục người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.
Chinh phục nhiều thị trường mới
Niên vụ vải năm 2021, tỉnh Hải Dương có sản lượng khoảng 55.000 tấn, tăng khoảng 28% so với năm trước. Thống kê sơ bộ, tính đến cuối tháng 6.2021, khoảng 55.000 tấn vải Hải Dương đã tiêu thụ thuận lợi; trong đó, ở thị trường nội địa, có điểm sáng là ngoài các kênh truyền thống như chợ đầu mối, các siêu thị lớn nhỏ thì lần đầu tiên vải được bán trên sàn thương mại điện tử. Ước tính, đã có 19.000 tấn vải bán tại các chợ đầu mối trong nước, 5.000 tấn bán tại các siêu thị và qua kênh sàn thương mại điện tử như: Lazada, Sendo.vn, VNpost, Alibaba.
Theo ông Nguyễn Văn Hiển, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức, chưa năm nào vải được mùa mà tiêu thụ thuận lợi như năm nay. Vải thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó.
Về xuất khẩu, Hải Dương có khoảng 20.000 tấn vải được xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Campuchia, 5.000 tấn vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu, Singapore, Thái Lan… Năm 2021, khoảng 1.000 tấn vải thiều Hải Dương sang thị trường Nhật và được bán tại các siêu thị lớn. Con số này tăng gấp 20 lần so với tổng sản lượng vải của cả nước xuất khẩu sang Nhật Bản năm 2020. Đồng thời, năm nay, lần đầu tiên, vải thiều Hải Dương mở cửa thành công thêm nhiều thị trường mới như: Thái Lan, Anh, Canada, Italy, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Sĩ, Đan Mạch.
Theo số liệu từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương, giá bán vải Hải Dương tại thị trường trong nước luôn cao hơn giá vải ở các địa phương khác khoảng 10-20% và tại thị trường nước ngoài, giá bán vải Hải Dương cũng cao hơn giá vải quả của các nước khác ở cùng thời điểm từ 30-50%. Đầu vụ, vải u trứng trắng giá từ 55.000-100.000 đồng/kg, vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu giá 15.000-28.000 đồng/kg. Cá biệt, có vườn vải sản xuất theo hướng hữu cơ bán 50.000 đồng/kg; vải bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử từ 25.000-28.000 đồng/kg. Vải xuất khẩu bán nội địa từ 80.000-120.000 đồng/kg...
Theo bà Lương Thị Kiểm, để có được kết quả này, ngành nông nghiệp Hải Dương và các địa phương đã chủ động kết nối, đồng hành với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ ngay từ đầu vụ. Điển hình như: Công ty CP Ameii Việt Nam xuất khẩu trên 500 tấn vải tươi và khoảng 500 tấn vải cấp đông, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ cũng đã sớm làm việc với vùng nguyên liệu để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu gần 1.000 tấn vải tươi và trên 1.000 tấn vải cấp đông đi Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, Anh, Canada, Italy, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Trung Đông…
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng có khoảng 150 điểm thu mua vải xuất khẩu sang Trung Quốc, các chợ đầu mối trong nước và gần 50 hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua vải cung cấp cho các siêu thị.
Xúc tiến thương mại, quảng bá cũng là một yếu tố mang đến thành công cho mùa vải năm nay của Hải Dương. Lần đầu tiên, hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải và sản phẩm OCOP của tỉnh được tổ chức kết nối Hải Dương với nhiều tỉnh, thành trong nước và các điểm cầu ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, với các chuỗi sự kiện quảng bá tiêu thụ vải do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tham tán thương mại tại các nước Nhật Bản, Australia, Hà Lan, Bỉ... tổ chức, vải thiều Hải Dương được người tiêu dùng thế giới biết đến nhiều hơn.
Với người trồng vải Thanh Hà, kết quả của vụ vải năm nay đã mang lại niềm tin về triển vọng ở những mùa vải tiếp theo. Ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức cho rằng, năm nay, quả vải Thanh Hà được lên sàn thương mại điện tử. Người nông dân có thêm kênh để bán vải tới tận tay người dùng. Mong rằng sau này, trước mỗi vụ vải, doanh nghiệp sẽ về địa phương cùng với người nông dân để thống nhất sớm về phương thức hợp tác sao cho hợp lý về giá bán và đảm bảo quả vải chất lượng tốt nhất khi đến với người mua.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, thời gian tới, bên cạnh nỗ lực của tỉnh, Hải Dương cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương trong việc hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất và tiêu thụ vải.
Theo TTXVN