UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ngành liên quan; UBND cấp huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Thời gian gần đây, trên phạm vi cả nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm đông người mắc. Vụ ngộ độc xảy ra tại TP Long Khánh (Đồng Nai) ngày 30/4/2024 có trên 450 người phải nhập viện điều trị.
UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm liên quan đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc, nhất là tại các điểm du lịch, lễ hội, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố. Tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm. Chỉ đạo các đơn vị y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý, cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương triển khai các giải pháp bảo đảm an toan thực phẩm thuộc lĩnh vực phân công quản lý.
Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
UBND cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn phụ trách; tăng cường quản lý về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và tại các chợ theo phân cấp quản lý. Chủ trì, phối hợp kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm...
PV