Nhà đất

Gỡ vướng để đấu giá các khu đất đã thu hồi của doanh nghiệp. Bài 1- “Tấc vàng” bị lãng quên

PHAN ANH 26/03/2024 11:00

Tại Hải Dương hiện còn nhiều khu đất được tỉnh thu hồi của doanh nghiệp nằm tại các vị trí đắc địa, là những "tấc vàng" nhưng chưa có phương án xử lý, đang để hoang hóa, gây lãng phí nguồn lực đất đai. Từ hôm nay 26/3, báo điện tử Hải Dương đăng loạt bài "Gỡ vướng để đấu giá các khu đất đã thu hồi của doanh nghiệp" phản ánh thực trạng trên.

4494f9ac980836f55fdd03c32fb9a85a.jpeg
Sau khi thu hồi, khu đất rộng hơn 2,4 ha cạnh quốc lộ 5 trên đường gom Hoàng Ngân thuộc phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) vẫn đang để hoang hóa

Qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều khu đất hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trước đây đã được tỉnh Hải Dương thu hồi giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) tiếp nhận, quản lý, lập kế hoạch đưa đất vào sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên dù nằm ở vị trí đắc địa nhưng không ít khu đất đã được thu hồi nhiều năm nay vẫn chưa có phương án xử lý, đang để hoang hóa.

Đất bị bỏ hoang giữa đô thị sầm uất

Đi dọc tuyến quốc lộ 5 qua địa bàn phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương), người đi đường không khỏi tiếc của khi chứng kiến khu đất rộng với khối nhà 3 tầng ngay cạnh đường gom Hoàng Ngân mấy năm qua vẫn “cửa đóng then cài”, bên trong hoang vu, vắng lặng. Khu đất này rộng hơn 2,4 ha, trước đây là địa điểm thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng Hải Dương của Công ty CP Viglacera Từ Sơn.

Từ tháng 9/2021, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi khu đất này giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý do hết thời hạn thuê đất, doanh nghiệp không được gia hạn theo quy định. UBND tỉnh yêu cầu Công ty CP Viglacera Từ Sơn thực hiện đầy đủ các quy định, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hải Dương, UBND phường Cẩm Thượng và các đơn vị liên quan bàn giao lại khu đất thu hồi và hồ sơ liên quan theo quy định.

Cũng trên địa bàn TP Hải Dương, cách khu đất này không xa, hơn 1 ha đất giáp đường Ngô Quyền thuộc phường Thanh Bình cũng bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ở đây có khung nhà xây dựng dở dang đã xuống cấp, xung quanh cỏ mọc um tùm. Đây là khu đất được tỉnh cho Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Quốc tế thuê để thực hiện dự án khu dịch vụ khách sạn cao cấp Thành Đông từ năm 2004. Sau nhiều năm không triển khai được dự án, doanh nghiệp đã đề nghị chấm dứt hoạt động dự án trước thời hạn và trả lại đất cho tỉnh. Tháng 8/2020, UBND tỉnh có quyết định chấm dứt hoạt động dự án trên và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho doanh nghiệp. Tháng 4/2022, UBND tỉnh quyết định thu hồi đất của công ty này giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý theo quy định. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với UBND TP Hải Dương và các đơn vị liên quan tiếp tục giải phóng mặt bằng hơn 2.000 m2 đất còn lại, quản lý theo quy định.

Hiện nay, tại khu vực này, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu chung cư và nhà ở hỗn hợp cao tầng song vẫn còn diện tích chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sở Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo rà soát. Như vậy, đã gần 20 năm, hơn 1 ha đất đô thị “mặt tiền” vẫn cứ để hoang, không phát huy được hiệu quả sử dụng đất.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, trên địa bàn TP Hải Dương còn nhiều khu đất khác doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả hoặc không còn nhu cầu đã đề nghị trả lại cho Nhà nước. UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Đơn cử như khu đất thu hồi của các Công ty: CP Đường bộ 240 tại xã An Thượng; CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương tại phường Phạm Ngũ Lão; TNHH một thành viên Giống gia súc Hải Dương tại phường Tứ Minh; của Ngân hàng HD Bank chi nhánh Hải Dương trên đường Bạch Đằng, phường Trần Phú…

Đất tại xã, phường cũng để cỏ mọc

fd7642be7dbcc591d1d835278ae38984.jpeg
Nhiều khu đất khác sau khi được thu hồi cũng bỏ hoang, gây lãng phí. Trong ảnh: Khu đất chuyên gia của Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch rộng hơn 1,9 ha tại phường Tân Dân (Kinh Môn)

Không chỉ ở TP Hải Dương, nhiều khu đất tỉnh đã thu hồi của doanh nghiệp thuộc địa bàn các xã, phường, thị trấn khác trong tỉnh cũng đang để hoang cho cỏ mọc.

Điển hình như khu đất rộng hơn 1,9 ha trước đây là khu chuyên gia của Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch tại phường Tân Dân (Kinh Môn). Khu đất này được tỉnh thu hồi từ đầu năm 2016. Tháng 5/2020, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch và các đơn vị liên quan tháo dỡ tài sản, bàn giao mặt bằng khu đất chuyên gia; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về đất đai để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê 50 năm theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Thời gian hoàn thành trong tháng 6/2020. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do nhiều vướng mắc.

Ngoài khu đất này, tại thị xã Kinh Môn còn 4 khu đất khác của doanh nghiệp trước đây đã được tỉnh thu hồi với tổng diện tích hơn 5 ha thuộc địa bàn các phường Phú Thứ, Minh Tân vẫn đang để lãng phí, chưa được đưa vào sử dụng.

13d451ce08d606c9300b26b8c1addc37.jpeg
Khu đất thu hồi của Công ty CP Vinafood I Hải Dương tại huyện Cẩm Giàng cỏ mọc um tùm

Tương tự, tại huyện Cẩm Giàng, gần 7.700 m2 đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của Công ty CP Vinafood I Hải Dương ở xã Tân Trường và thị trấn Cẩm Giang được tỉnh thu hồi từ năm 2022 do doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng vẫn đang để cỏ mọc quá đầu người.

Ngoài các địa phương trên, còn nhiều khu đất khác ở các huyện Ninh Giang, Kim Thành, Nam Sách, TP Chí Linh… đã được UBND tỉnh thu hồi nhiều năm nay giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý, lập kế hoạch đưa vào sử dụng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định nhưng đến nay vẫn chưa có phương án cụ thể. Nguồn lực đất đai đang để lãng phí, không phát huy được giá trị sử dụng, trong khi nguồn thu của các địa phương còn khó khăn.

Kỳ sau: Vì sao thu hồi rồi phải để đấy?

PHAN ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ vướng để đấu giá các khu đất đã thu hồi của doanh nghiệp. Bài 1- “Tấc vàng” bị lãng quên