Dịp hè, nhiều giáo viên tranh thủ tìm việc làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và thỏa mãn đam mê của mình.
Mỗi tháng hè, thầy giáo Nguyễn Văn Lực kiếm được từ 7 - 12 triệu đồng nhờ nghề tay trái
Tất bật
Chúng tôi gặp thầy giáo Nguyễn Văn Lực ở thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) lúc gần 11 giờ trưa khi thầy vừa mới hoàn thành việc lắp biển quảng cáo cho một nhà dân trong thôn trở về. "Dù trời nắng nóng nhưng chúng tôi đã nhận việc rồi không thể bỏ. Làm biển quảng cáo, biển hiệu phải xong đúng thời hạn để chủ nhà kịp ngày tốt khai trương cửa hàng", thầy Lực nói.
Thầy Lực là giáo viên dạy mỹ thuật ở Trường THCS Cẩm Vũ. Vốn có kiến thức về đồ họa nên trong năm học thầy thường nhận làm công việc nhẹ nhàng như vẽ trang trí phòng, tường bao của trường học và nhà dân. Mùa hè rảnh rỗi, thầy mới nhận những công trình lớn, thời gian làm dài. Công việc của thầy những ngày hè khá bận rộn, hôm thì đi lắp biển quảng cáo, biển hiệu, hôm lại vẽ tường, trần nhà, có đợt làm cùng lúc những công việc này.
Mùa hè cũng là thời điểm thầy Nguyễn Đình Thịnh, giáo viên tiếng Anh của Trường Tiểu học Hưng Thịnh (Bình Giang) bận rộn hơn. Thời gian này, thầy tập trung bán đồ gỗ mỹ nghệ qua mạng. Hằng ngày, thầy thường đi đến các xưởng chế tác của địa phương để xem hàng. Tìm được những món đồ vừa ý, sau khi thống nhất với chủ nhà, thầy dùng điện thoại di động chụp hình và đưa lên trang Facebook, Zalo cá nhân để giới thiệu. Có người mua, nếu khoảng cách 40 km trở lại, thầy Thịnh dùng xe máy giao hàng tận nơi, còn ở xa thì gửi xe ô tô.
Những giáo viên không có nghề tay trái ổn định như thầy Lực, thầy Thịnh thì tìm việc tự do phù hợp với mình. Từ ngày về Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Dương) đến nay được 6 năm, mỗi dịp hè đến, cô giáo Nguyễn Thị Trang (dạy môn giáo dục quốc phòng - an ninh) lại tìm việc để làm thêm. Những năm trước, cô thường bán hàng cho các cửa hiệu ở TP Hải Dương. Năm nay, cô Trang xin đi làm công nhân may. "Để kiếm việc thì không khó. Tôi tham gia vào nhóm việc làm Hải Dương trên mạng nên tìm được rất nhiều thông tin việc làm. Quan trọng nhất là lựa chọn cho mình công việc phù hợp với sức khỏe, đi lại và thời gian", cô Trang chia sẻ.
Do chỉ có 3 tháng hè ngắn ngủi nên giáo viên hợp đồng không được trả lương trong hè thường lựa chọn công việc có tính thời vụ như làm nhân viên phục vụ tại các cửa hàng, bán hàng qua mạng, dạy bơi, võ...
Nguồn thu nhập chính
Tuy là công việc làm thêm trong dịp hè nhưng lại trở thành nguồn thu nhập chính đối với nhiều giáo viên, nhất là giáo viên hợp đồng.
Thầy giáo Nguyễn Đình Thịnh cho biết dịp hè, thu nhập mỗi tháng của thầy từ 4 - 5 triệu đồng. Số tiền này thầy dùng để đóng bảo hiểm xã hội và nuôi vợ con. "Nếu không đi làm thì mọi khoản chi tiêu lại phải phụ thuộc vào bố mẹ. Trong năm học, tuy tôi có lương nhưng cũng chỉ đủ cho sinh hoạt hằng ngày, tiền tích lũy không đáng kể", cô Trang nói.
Không chỉ đối với giáo viên hợp đồng, ngay cả giáo viên trong biên chế thì nguồn thu từ việc làm thêm cũng đáng kể. Hiện nay, do lương của giáo viên còn thấp nên để trang trải cho cuộc sống gia đình không đơn giản. Có uy tín, lại chăm chỉ, mỗi tháng hè thầy giáo Lực thu nhập từ 7 - 12 triệu đồng nhờ làm thêm, gấp đôi so với lương được lĩnh trong năm học.
Tuy nhiên, làm việc trái nghề nên để kiếm được tiền không dễ. Nhiều người không chịu được áp lực của công việc đã bỏ giữa chừng. Công việc của thầy Lực rất vất vả, phần lớn làm ngoài trời và phải mang vác, leo trèo, hàn xì, khoan cắt... Người không có sức khỏe, khả năng chịu đựng thấp sẽ khó theo. Để đáp ứng được công việc làm may, cô Trang phải rèn luyện tay nghề, tìm hiểu qua một vài người bạn đang làm ở công ty mình xin việc để biết cách thức tổ chức, áp lực công việc...
Ngoài mục đích tăng thu nhập, nhiều giáo viên tìm nghề làm thêm với mong muốn được trải nghiệm, có thêm kiến thức, kỹ năng sống để dạy học sinh. Cô giáo Trang nhận xét: "Qua mỗi công việc, tôi tích lũy thêm được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống. Những điều này rất bổ ích để tôi có thể tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh khi đang chuẩn bị bước vào đời".
DANH TRUNG