Giao thừa ở chốn linh thiêng

15/02/2018 23:56

Trong khoảnh khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, nhiều người thường tìm đến các di tích tâm linh để cầu mong một năm mới may mắn, tốt lành…


Vào đêm giao thừa, nhân dân đến chùa Tranh (Ninh Giang) dâng giọt dầu lưu ly cúng Phật, cầu năm mới mọi điều an lành, hạnh phúc. Ảnh: TC

Trang nghiêm

Vào đêm giao thừa, các di tích tâm linh của tỉnh như được khoác thêm chiếc áo mới trang nghiêm, lộng lẫy. Trên những ngả đường vào các nơi thờ tự, cờ thần, cờ hội, hồng kỳ, cờ dây, đèn lồng, bảng, biển, băng rôn, khẩu hiệu chúc mừng năm mới được treo dày đặc. Và cũng như mỗi gia đình, bên trong di tích, những cây đào, cây mai, cây quất, hoa tươi đua nhau khoe sắc. Nhiều lễ vật đặc trưng không thể thiếu được bày biện làm cho không khí ngày Tết ở di tích thêm đậm hồn dân tộc. Cảnh sắc này làm cho mỗi du khách thập phương đến di tích cũng cảm thấy không khí ấm cúng của ngày Tết cổ truyền như đang ở nhà mình.

Vào đêm giao thừa, các hoạt động đón mừng năm mới ở các khu di tích diễn ra vừa trang nghiêm lại mang đậm sắc xuân. Đã vài năm đón giao thừa ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh) nhưng mỗi lần đến đây, chúng tôi lại có một cảm giác khác lạ. Ban đêm, không gian núi rừng Chí Linh trở nên thâm u, tĩnh mịch càng làm cho không khí giao thừa thêm linh thiêng. Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: "Vào thời điểm giao thừa, tại các di tích đều thực hiện khóa lễ. Ở chùa, khóa lễ do các nhà sư thực hiện, còn các di tích khác do địa phương và Ban Quản lý di tích đảm nhận. Các nghi lễ được thực hiện trang nghiêm theo đúng nghi thức truyền thống".

Từ hàng trăm năm nay, một nghi lễ không thể thiếu được ở di tích đền, đình Sượt (TP Hải Dương) là lễ tế xuân. Lễ tế được thực hiện từ 23 giờ 30 đêm30 đến qua giao thừa. Đội tế có 24 thành viên, trong đó có 3 người chủ tế, còn lại là bồi tế. Sau khi làm lễ "củ soát" (kiểm tra lễ vật, hương đăng) lễ tế sẽ được thực hiện theo nghi thức truyền thống.

Hoạt động tế lễ ở các di tích vừa mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, vừa mang giá trị nhân văn. Các bài tế lễ ngoài ghi nhớ, tôn vinh công trạng của các nhân vật được thờ phụng còn cầu cho đất nước thanh bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trong thời gian diễn ra lễ tế, nhân dân không được vào khu vực nội tự để bảo đảm tính trang nghiêm. Các thành viên của đoàn tế được tuyển chọn kỹ lưỡng, nhất là vị chủ tế. Gia đình vị chủ tế phải còn đầy đủ các thành viên, sống gương mẫu, uy tín trong cộng đồng và không vi phạm pháp luật.  

Rước tài lộc về nhà

Đêm giao thừa ở các di tích đông như hội, nhất là ở những di tích lớn và có tiếng linh thiêng. Trong các di tích của tỉnh thì chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc là hai điểm thu hút đông nhân dân địa phương và du khách thập phương tới vào thời khắc giao thừa nhất. Trong sách "Công dư tiệp ký" của tác giả Vũ Phương Đề (thế kỷ 18) còn ghi rất rõ: "Tục cũ cứ đến đầu năm mới, trai thanh, gái lịch các nơi kéo nhau đến đây vãn cảnh, đường sá đi lại đông như mắc cửi, thực là một nơi đại thắng tích".

Bao thế kỷ trôi qua, tập tục này không hề thay đổi. Những năm gần đây, vào đêm giao thừa, di tích Côn Sơn đón gần 1 vạn khách thập phương. Người dân các nơi tụ hợp về với Côn Sơn - Kiếp Bạc vào đúng khoảnh khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới là muốn đón nhận được linh khí của nơi đất Phật, đất Thánh đã được khẳng định qua câu "linh khí Côn Sơn", "hùng khí Lục Đầu".

Tuy không đông như ở Côn Sơn - Kiếp Bạc nhưng đêm giao thừa mỗi năm đền Sượt cũng đón khoảng 3.000 người. Không gian của đền lúc nào cũng chật kín người. Anh Nguyễn Văn Quảng ở khu dân cư số 7, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) chia sẻ: "Đêm giao thừa, sau khi làm lễ cúng gia tiên xong, vợ chồng tôi đều đến một vài di tích gần nhà như đền Sượt. Chúng tôi cầu cho gia đình sức khỏe, hòa thuận, ấm no, làm ăn gặp nhiều may mắn".

Để hoạt động đón xuân, dâng hương của người dân diễn ra ý nghĩa hơn, mỗi nơi lại có cách tổ chức mang đặc trưng, nét đẹp riêng. Đến với đền Bia (Cẩm Giàng) vào đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới, ngoài dâng hương, nhân dân còn có thể đến vườn của đền ngắt một vài lá thuốc hoặc bốc một thang thuốc để vào xin vị Thánh thuốc nam Tuệ Tĩnh ban cho sức khỏe, bình an. Muốn việc học hành, thi cử tấn tới, nhiều người tìm đến xin chữ, vở, bút ở đền thờ thầy giáo Chu Văn An (Chí Linh), Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng)… Nhiều di tích còn có thêm hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân vui xuân.

Ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết: "Vào dịp đầu xuân, đền Bia thường chuẩn bị 1.000 - 2.000 túi lộc để phát cho nhân dân. Túi lộc có 1 bao diêm, 1 gói muối, 1 gói gạo tượng trưng cho sự ấm no, sung túc. Ban quản lý còn bố trí một số vị lương y cắt thuốc hoặc bán các túi nhỏ đựng trà, thuốc nam để người dân mua lấy may".

Cùng với việc tổ chức các nghi lễ, hoạt động giàu bản sắc văn hóa dân tộc, các di tích còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân cùng có trách nhiệm giữ gìn cảnh quan, môi trường, an ninh, trật tự, bảo vệ di sản. Nhờ đó, hầu hết người dân đến với di tích đều lịch sự. Tình trạng vặt hoa, bẻ cành lộc đầu xuân không còn.

TRUNG VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giao thừa ở chốn linh thiêng