Việc đẩy nhanh, điều chỉnh để các chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn đi vào thực tế có ý nghĩa sống còn với rất nhiều doanh nghiệp.
Ngày 25.9, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) phải nộp của năm 2020. Theo đó, các DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng được giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của kỳ tính thuế năm nay. Đối tượng hướng đến của chính sách này là các DN vừa và nhỏ đang chiếm tới 97% tổng số DN cả nước.
Tuy đối tượng bao phủ rộng nhưng dự báo sẽ có nhiều DN không được hưởng lợi từ chính sách này do kinh doanh không hiệu quả, không có lãi để nộp thuế, thậm chí hàng chục nghìn DN đã giải thể. Sự hỗ trợ này giống như trong cuộc đua với cái đích là làm ăn có lãi, những người về đích được nhận phần thưởng để tiếp tục duy trì. Trong khi đó, có rất nhiều DN cần được tiếp sức để vượt qua khó khăn trong đại dịch và đến được cái đích này.
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các DN trong tất cả các lĩnh vực đều ít nhiều phải đối mặt với khó khăn như chi phí nguyên vật liệu tăng cao, thị trường thu hẹp, nhiều thời gian phải tạm dừng hoạt động… Sản xuất, kinh doanh không hiệu quả khiến nhiều DN không trả được nợ ngân hàng đúng hạn. Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13.3.2020 quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Nhưng chỉ những khoản vay trước ngày 23.1.2020 mới được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và thời gian giãn nợ chỉ được đến hết tháng 6. Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, rất nhiều DN chưa thể phục hồi, nhất là trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dệt may, da giày. Các DN này cần được tiếp tục hỗ trợ giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với cả những khoản vay sau ngày 23.1.2020 để vượt qua thời gian khó khăn này. Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01 theo hướng này từ đầu tháng 7 nhưng cho tới nay vẫn chưa ban hành chính thức.
Bên cạnh việc giãn nợ, nhiều DN cần được hỗ trợ về tài chính bằng cách vay vốn với lãi suất ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước đã dành gói tín dụng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm cho DN vay để trả cho người lao động ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng tới nay, sau hơn 4 tháng triển khai, cả nước mới có duy nhất 1 DN được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn. Song DN này cũng không vay mà đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động. Như vậy, gói 16.000 tỷ đồng đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Nguyên nhân không phải do các DN không có nhu cầu mà do điều kiện để vay vốn còn khắt khe, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Để gói hỗ trợ này đến được với các DN kịp thời, cần hạ thấp tiêu chí được vay vốn từ DN không có nguồn thu mới được vay xuống còn chỉ cần giảm doanh thu và gặp khó khăn là được vay, tạo điều kiện về thủ tục, nâng hạn mức được vay cho mỗi DN.
Như vậy, những chính sách tài chính hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do Covid-19 đều đã triển khai nhưng vẫn còn những bất cập cần sửa đổi. Việc đẩy nhanh điều chỉnh để các chính sách đi vào thực tế có ý nghĩa sống còn với rất nhiều DN. Nếu các DN được hỗ trợ để kinh doanh hiệu quả, có lãi thì có thể họ không cần được giảm thuế thu nhập DN, đồng thời tiếp tục đóng góp vào nguồn thu ngân sách, tạo thu nhập cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
THÁI HÒA