Lẩu cá là món ăn dễ chế biến, thơm ngon, thích hợp để các gia đình giải ngấy sau những cuộc tiệc tùng vui Tết, đón xuân triền miên.
Từ chiều 11/2 (mùng 2 Tết), nhiều gia đình ở Hải Dương đã đi chợ tìm mua cá về làm lẩu. Đây là một trong những giải pháp để giải ngấy sau nhiều bữa liên tiếp nạp vào cơ thể những món ăn giàu dinh dưỡng như giò, chả, thịt gà, nem, các món chiên xào, bánh chưng…
Các loại cá nước ngọt được người dân mua về nấu lẩu để giải ngấy ngày Tết thường là trắm cỏ, trắm đen, chép và cá quả.
Nguyên liệu chế biến lẩu cá gần gũi, phong phú, dễ tìm và được bán gần như ở tất cả các chợ từ thành thị tới nông thôn như: cà chua, gừng, dứa, ớt tươi, tiêu, khế chua hoặc quả me, rau thì là, hành tươi, rau răm, rau ngổ. Ăn kèm với lẩu cá có các loại rau cần, cải cúc, rau muống, mồng tơi, cải xoong, bún, bánh đa hoặc mì tôm.
Ngoài các gia vị cần thiết, lẩu cá nhất thiết phải có mẻ ta xay nhuyễn. Mẻ ta đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên hương vị riêng của nước lẩu cá. Nếu không có mẻ thì sử dụng bỗng rượu thay thế.
Cá sau khi được đánh vẩy, mổ bụng sẽ chà với muối, nước chanh hoặc quất, bỏ thêm chút rượu để loại bỏ mùi tanh. Tiếp theo là rửa cá bằng nước sạch nhiều lần, thấm khô bằng vải hoặc giấy ăn. Cắt khúc cá vừa miếng hoặc lọc thịt thái lát mỏng ướp với các loại gia vị như gừng, ớt, xả băm nhỏ, bột nghệ và một thìa nhỏ nước mắm. Riêng phần đầu và đuôi cá được để riêng để nấu nước dùng.
Vì là món giải ngấy nên nước lẩu cá thường sẽ không dính líu đến thịt thà, dầu mỡ. Thay vào đó, nhiều người sẽ đun một nồi nước rồi thả cà chua, dứa, khế chua vào đun sôi, đánh nhuyễn. Bước tiếp theo là cho phần đầu và đuôi cá vào nồi, bỏ thêm 1 miếng gừng ta nướng đập nhuyễn, ớt, mẻ và nêm thêm các loại gia vị thông thường. Đậy vung đun sôi nhỏ lửa khoảng 20 phút cho đầu và xương cá nhừ, lọc vớt xương lấy nước cho ra nồi lẩu là có thể thưởng thức.
Lẩu cá muốn ngon thì nước dùng phải chua và cay. Tuy nhiên, tuỳ vào khẩu vị mà người ăn có thể tự điều chỉnh độ chua cay, đậm nhạt cho nước dùng bằng cách thêm mẻ, ớt, bột canh, mì chính. Cũng có người thích ăn cay hơn thì cho thêm sa tế.
Khi nồi nước lẩu đặt giữa mâm đã sôi, người ăn chỉ việc gắp miếng cá thái lát hoặc lọc thịt thái mỏng đã ướp gia vị trước đó nhúng vào. Khi cá chín, múc ra bát con, rắc chút rau răm, thì là, ngổ thái nhỏ, thêm chút nước là có thể bắt đầu xì xụp.
Khi thưởng thức món lẩu trên, người ăn dễ dàng cảm nhận được sự thơm ngọt của thịt cá, vị chua chua, cay cay vừa thanh tao, vừa gần gũi, dân dã của các loại rau, củ, quả gia vị và mẻ ta hoà quyện tạo nên...
Cùng gia đình quây quần bên nồi lẩu cá trong thời tiết se lạnh vào đúng dịp nghỉ Tết năm nay là một lựa chọn phù hợp. Nồi lẩu không chỉ giúp mọi người giải ngấy mà còn làm cho không khí gia đình thêm đầm ấm, vui tươi.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, chiều 11/2, một số gian hàng kinh doanh cá tại chợ Đông Ngô Quyền (TP Hải Dương), chợ Yên (Tứ Kỳ)... đã hoạt động trở lại. Giá bán các loại cá tăng không đáng kể so với ngày thường. Cá trắm cỏ, cá chép dao động từ 75.000-90.000 đồng/kg (tuỳ loại), cá quả 120.000 đồng/kg...
TIẾN MẠNH