Trả lời báo chí bên lề cuộc tập huấn toàn quốc về tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết các phản ứng phụ rất ít gặp là viêm cơ tim, liệt mặt, nhưng không ảnh hưởng đến gene.
Tiêm vắc xin Pfizer cho học sinh tại Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh chiều 29.10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
PGS-TS Dương Thị Hồng, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết Bộ Y tế cho phép sử dụng vắc xin Pfizer và Moderna tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, liều tiêm vắc xin Pfizer tương tự như liều tiêm cho người lớn, với 2 mũi tiêm bắp cách nhau 3-4 tuần.
Về phản ứng phụ sau tiêm, bà Hồng cho biết ở các quốc gia đã triển khai tiêm chủng cho trẻ, các phản ứng ghi nhận được tương tự như khi tiêm chủng cho người lớn, như đau đầu, đau khớp, đau cơ, sau tiêm mũi 2 số lượng phản ứng ghi nhận được nhiều hơn.
Có 1/100 cháu có phản ứng nôn ói sau tiêm, 1/1.000 nổi hạch, 1/1.000 - 1/10.000 gặp phản ứng liệt mặt, phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, theo bà Hồng, là "rất ít gặp".
"Phản ứng này gặp nhiều ở trẻ trai hơn trẻ gái, tỷ lệ trẻ trai gặp phản ứng này gấp 4-6 lần so với trẻ gái, một số quốc gia còn ghi nhận cao hơn 10 lần, nhưng thống kê chung đều cho thấy đây là phản ứng rất hiếm gặp", bà Hồng phân tích.
Tiêm vắc xin cho trẻ em đợt này là nhóm 12-17 tuổi, những em 17 tuổi 11 tháng 29 ngày vẫn được tính là 17 tuổi, các cháu dưới 12 tuổi chưa có chỉ định tiêm lần này.
Trong thời gian tới, khi có thêm vắc xin tiêm cho trẻ ở lứa tuổi nhỏ hơn thì khi đó Bộ Y tế sẽ xem xét để có thể chỉ định tiêm phòng COVID-19 cho lứa tuổi dưới 12.
* Có nhiều gia đình có con độ tuổi 12-17 tiêm đợt này lo ngại rằng có "phản ứng phụ lâu dài" nào sau khi tiêm vắc xin COVID-19 không, vì họ cho rằng đây là vắc xin được phê duyệt khẩn cấp, có thể chưa được theo dõi nhiều?
- Vắc xin sử dụng là vắc xin có thành phần mNRA của 2 nhà sản xuất Pfizer và Moderna, thành phần mNRA của virus hoàn toàn không có tương tác với ADN của người, do đó không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gene và ảnh hưởng về lâu dài như bệnh ung thư, rối loạn vô sinh như có bậc phụ huynh lo lắng thì đến nay chúng tôi chưa nhìn thấy mối liên quan đến 2 vắc xin này.
Thế giới hiện nay đã có ít nhất 36 quốc gia triển khai vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ em, tương tự loại Việt Nam sử dụng. Trong đó có 19 quốc gia châu Âu, như Anh, Pháp, Ý, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển..., đều là các quốc gia phát triển. Tại châu Mỹ có Mỹ, Canada, Chile, Cuba...
Ở châu Á có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... đã và đang triển khai tiêm cho trẻ em. Loại vắc xin sử dụng đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo và bộ y tế các nước xem xét phê duyệt.
Các bậc phụ huynh yên tâm đưa con em mình đi tiêm chủng để phòng bệnh một cách bền vững, bởi vắc xin bao giờ cũng là cách phòng bệnh bền vững nhất.
* Với phản ứng phụ sau tiêm là viêm cơ tim, có cách nào nhận biết được sớm hoặc phòng ngừa, thưa bà?
- Trong trình bày gửi tới các cơ sở tiêm chủng toàn quốc, chúng tôi đã khuyến cáo đây là phản ứng rất hiếm gặp nhưng đã được ghi nhận tại một số quốc gia đã triển khai trước Việt Nam.
Trẻ sau tiêm vắc xin Pfizer hoặc Moderna, khi vận động mạnh sẽ gia tăng áp lực cho tim và biểu hiện viêm cơ tim sẽ trầm trọng hơn.
Qua khảo sát cho thấy trẻ gặp phản ứng này nhiều hơn ở trẻ trai và sau tiêm mũi thứ 2. Chúng tôi cũng khuyến cáo trong vòng 3 ngày sau tiêm, các cháu nên hạn chế vận động mạnh, như tham gia chơi thể thao cường độ cao.
Theo kết quả rà soát mới nhất, toàn quốc có 9,4 triệu trẻ trong độ tuổi 12-17, cao hơn nhiều so với thống kê trước đây là 8,1 triệu trẻ.
TP Hồ Chí Minh là nơi triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em đầu tiên trên toàn quốc, vài ngày tới đây sẽ có thêm một số tỉnh thành triển khai quy mô nhỏ.
Bà Hồng cho hay mục tiêu của Bộ Y tế là hết tháng 11 sẽ tiêm xong mũi 1 cho trẻ 12-17 tuổi và hoàn thành mũi 2 trong cuối năm 2021 nếu vắc xin về Việt Nam đúng như tiến độ đã cam kết.
Tuy nhiên các tỉnh thành vẫn phải ưu tiên triển khai tiêm cho người từ 18 tuổi, đặc biệt là nhóm từ 50 tuổi trở lên.
Theo Tuổi trẻ