Chuyến bay đầu tiên trở lại Nha Trang từ thủ đô Seoul (Hàn Quốc) ngày 20-5, hành khách được chào đón bằng nghi thức vòi rồng và những vòng hoa tươi thắm, quà tặng ở sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa)
Tranh thủ dịp nghỉ kéo dài hơn một tháng, Quỳnh Vy - du học sinh tại Osaka (Nhật Bản) - dự kiến sẽ về Việt Nam vào cuối tháng 8 để thăm gia đình sau hơn hai năm xa nhà.
Mong ngóng các quy định phòng chống dịch được nới lỏng, Quỳnh Vy lại thêm nỗi lo về giá vé máy bay bất ngờ tăng vùn vụt. Lên mạng tìm vé máy bay của Vietnam Airlines, Vietjet, Asiana Airlines... cho hành trình khởi hành từ Osaka - TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 8, cô bất ngờ khi giá "nhảy múa" theo từng ngày. Du học sinh này kể, giữa tháng 5 khảo sát vé chặng khứ hồi giá vé rẻ nhất hạng Eco của Vietjet là 10 triệu đồng, vé Deluxe (có 20kg hành lý) 13,5 triệu đồng.
Chần chừ chưa đặt vé, đến tối 21.2 xem lại vé đã lên đến 17,3 triệu đồng. Giá vé Vietnam Airlines còn cao hơn Vietjet, ở chặng bay trên giá khứ hồi đã lên đến 22 triệu đồng cho hạng vé phổ thông.
"Chỉ sau một tuần, giá vé bất ngờ tăng 3 - 5 triệu đồng. Đặc biệt ở chặng bay từ Việt Nam sang Nhật vào tháng 8, giá tăng lên rất nhanh" - Quỳnh Vy nói.
Tương tự, chặng bay từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng đến các địa điểm ở Hàn Quốc, giá vé của các hãng cũng nhúc nhích tăng theo làn sóng khách du lịch Việt được cấp visa kể từ ngày 1-6.
Ngày 22-5, khảo sát trên website của Vietnam Airlines, Vietjet, Jeju Air, Asiana Airlines... không chỉ giá vé tăng mà còn xuất hiện một số chuyến bay thông báo hết chỗ. Chẳng hạn ngày 6-6, Vietjet đã thông báo hết chỗ chuyến từ TP Hồ Chí Minh - Seoul. Những ngày còn lại, giá vé chặng khứ hồi cho hành trình khởi hành từ tháng 6 khoảng 12-13,5 triệu đồng.
Vietnam Airlines mức giá luôn cao hơn so với Vietjet khoảng 1-2 triệu đồng/vé ở chặng bay quốc tế. Với giá vé từ TP Hồ Chí Minh - Seoul, hạng phổ thông rẻ nhất cho chặng khứ hồi đi đầu tháng 6 là 14 triệu đồng, còn hạng thương gia 30-40 triệu đồng.
Một phó giám đốc thương mại của hãng bay cho biết, những chặng bay quốc tế đi khu vực Đông Bắc Á đang "vào mùa" đi lại. Chẳng hạn vào dịp tháng 8, mùa Momiji (rừng lá đỏ) thu hút nhiều khách đến tham quan, du lịch. Nhật Bản mới đây đã thông báo sẽ mở cửa du lịch có kiểm soát từ cuối tháng 5. Đây là thị trường du lịch lớn thứ ba thế giới - dự kiến sẽ lần đầu tiên sau hơn 2 năm mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
Tương tự, từ 1.6, Hàn Quốc sẽ cấp thị thực (visa) du lịch ngắn hạn C-3 trở lại cho khách du lịch nước ngoài, trong đó có khách Việt Nam, sau khi tạm ngừng từ ngày 14.3.2020.
Theo vị này, dù mở cửa nhưng một số nước vẫn giới hạn khách trên mỗi chuyến bay đến, khiến nhu cầu đi lại của hành khách chưa thể trở lại bình thường. Chưa kể, giá nhiên liệu biến động theo mức tăng, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của hàng không.
"Sắp tới khách vẫn có thể săn được vé khuyến mãi khi các hãng tung chương trình kích cầu đường bay quốc tế. Song, để mua được vé giá tốt, hành khách cần mua sớm trước ngày khởi hành, tránh mua cận ngày bay giá sẽ cao hơn" - vị này gợi ý.
Đại diện Vietjet cho biết sẵn sàng đón làn sóng du lịch giữa hai nước khi Hàn Quốc cấp visa ngắn hạn cho du khách quốc tế và Việt Nam từ 1-6. Trước mắt, hãng đã triển khai chuyến đầu tiên từ Nha Trang đến Seoul vào ngày 20.5. Tiếp đó, hãng mở lại đường bay Phú Quốc, Hải Phòng đến Seoul ngay trong tháng 5, nâng tổng số đường bay kết nối Việt Nam - Hàn Quốc lên 6 đường bay.
Công ty du lịch Vietravel nhanh chóng tung chương trình Hàn Quốc (6 ngày) miễn visa với tour trọn gói Seoul - đảo Nami - công viên Everland - núi Seorak. Giá tour chào bán 27,9 triệu đồng...
Theo Tuổi trẻ