Giá vàng biến động trong tuần đầu năm

08/01/2022 14:50

Cả thị trường vàng trong nước và thế giới đều ghi nhận biến động mạnh tuần này, nhưng khép lại tuần giao dịch đầu năm 2022 với kết quả trái ngược.

Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022 với phiên tăng nhẹ đêm qua (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, phiên tăng này vẫn chưa thể đưa giá vàng vật chất trở lại vùng 1.800 USD/ounce, sau khi chịu áp lực bán liên tục từ đầu tuần.

Cụ thể, trong phiên 7.1 (đêm qua theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới mở cửa ở mức 1.790,9 USD và đóng cửa ở 1.797 USD/ounce, tương đương mức tăng ròng 6,1 USD trong ngày. Dù vậy, so với cuối tuần trước, giá vàng thế giới hiện vẫn thấp hơn gần 33 USD, tương đương mức giảm ròng 1,8% tuần này.

Tương tự, giá hợp đồng vàng tương lai giao tháng 2 cũng khép lại tuần này với phiên tăng 7,3 USD, đóng cửa ở mức 1.796,5 USD/ounce.

Tính trong tuần này, giá vàng thế giới chủ yếu giữ xu hướng giảm do lo ngại của các nhà đầu tư trước thông tin cuộc họp tháng 12/2021 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nội dung cuộc họp được công bố cho biết tình trạng lạm phát đang bị đánh giá căng thẳng hơn và FED sẽ tính đến việc tăng lãi suất nhanh hơn, đồng thời giảm lượng mua tài sản hàng tháng.

Trong khi đó, ông Gary Wagner, chuyên gia phân tích giá vàng của Kitco, cho biết trợ lực chính giúp vàng phục hồi trong phiên cuối tuần là báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ.

Giá vàng thế giới giảm hơn 1,7% trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022

Theo đó, cơ quan kiểm soát lao động Mỹ đã công bố số liệu việc làm mới trong tháng 12.2021 là 199.000 đơn vị, thấp hơn mức 422.000 mà các chuyên gia dự báo trước đó.

Điều này cho thấy tình trạng thiếu việc làm vẫn diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với biến chủng mới, ảnh hưởng tới sự hồi phục của nền kinh tế.

Những thông tin này lại mang tính tích cực với các tài sản trú ẩn như vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ.

Theo ông Wagner, dưới góc độ kỹ thuật, giá vàng sẽ nhận được mức hỗ trợ tại các vùng 1.785 USD và 1.770 USD nếu giảm vào tuần sau. Ngược lại, nếu tăng trở lại, vàng sẽ phải đối mặt với ngưỡng kháng cự 1.800-1.805 USD, trước khi trở lại vùng 1.815-1.833 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, giá vàng tuần này cũng ghi nhận biến động mạnh khi giá bán vàng miếng rơi xuống vùng thấp nhất 1 tháng trong phiên 6.1, trước khi tăng tích cực 2 phiên cuối tuần.

Cụ thể, Công ty Vàng SJC hôm nay niêm yết giá vàng miếng ở mức 61 - 61,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng chiều mua và 150.000 đồng chiều bán so với cuối ngày 7.1. Đây là phiên tăng thứ 2 liên tiếp của vàng miếng SJC cuối tuần này sau khi giảm về mức 61,45 triệu/lượng ngày 6/1, thấp nhất gần 1 tháng.

Việc được bán ra ở 61,75 triệu/lượng cũng đưa giá vàng miếng SJC lên vùng cao nhất tuần đầu tiên của năm 2022. So với cuối tuần trước, giá vàng tại đây vẫn tăng 100.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn SJC 99,99% ghi nhận diễn biến cùng chiều vàng thế giới khi giảm tuần này, nhưng mức giảm chỉ dao động trong khoảng 200.000-300.000 đồng/lượng, hiện cố định ở mức 52,15 - 52,85 triệu đồng/lượng.

Tại Công ty Vàng Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng cũng được doanh nghiệp này niêm yết trở lại mức 60,9 triệu/lượng (mua) và 61,6 triệu/lượng (bán) hôm nay, cao hơn 300.000 đồng so với phiên hôm qua. So với cuối tuần trước, giá vàng tại PNJ cũng cao hơn 400.000 đồng.

Tuy vậy, giống với SJC, giá vàng nhẫn do PNJ chế tác cũng ghi nhận biến động mạnh tuần này khi giảm 200.000 đồng so với cuối tuần trước, hiện bán ra ở mức 52,8 triệu đồng/lượng. Nếu so với giá cao nhất ghi nhận trong tuần này, giá vàng nhẫn PNJ đã giảm một mạch hơn nửa triệu đồng trong những phiên cuối tuần.

Với diễn biến trái chiều kể trên, chênh lệch giá thế giới và trong nước tiếp tục bị nới rộng lên mức hơn 12 triệu/lượng (so với vàng miếng) và 3,15 triệu/lượng (so với vàng nhẫn).

Trong đó, giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt hiện chỉ vào khoảng 49,7 triệu đồng/lượng.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá vàng biến động trong tuần đầu năm