5 năm qua, huyện Gia Lộc đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tạo ra nhiều loại nông sản hàng hóa chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao.
HTX Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt ở xã Hồng Hưng áp dụng công nghệ nuôi cá "sông trong ao". Ảnh tư liệu
Hướng đi đúng
Gia Lộc có truyền thống sản xuất nông nghiệp, nhất là thâm canh rau màu. Nhằm phát huy lợi thế này và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Gia Lộc đã xây dựng, chỉ đạo thực hiện đề án “Quy hoạch và xây dựng vùng rau, hoa, quả tập trung theo hướng an toàn tiến tới sạch, phù hợp với kinh tế nông nghiệp ven đô giai đoạn 2016-2020”. Các địa phương cũng xây dựng đề án cụ thể để thực hiện.
Huyện đã triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho các vùng sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản, tập huấn, đào tạo nghề... 4 năm qua, các hộ trong vùng sản xuất tập trung có hợp đồng bao tiêu sản phẩm được hỗ trợ hơn 19,3 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ hơn 6,7 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ 100.000 đồng/m2 nhà màng, 50.000 đồng/m2 nhà lưới cho các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp.
Theo kế hoạch thực hiện đề án, đến hết năm 2020, toàn bộ diện tích gieo trồng rau màu của huyện chuyển sang canh tác theo hướng an toàn. Mục tiêu này đã hoàn thành sớm 1 năm.
Việc quy vùng sản xuất chuyên canh, tập trung được các địa phương quan tâm, thực hiện hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 88 vùng với tổng diện tích 1.298 ha được tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, áp dụng quy trình chăm sóc tiên tiến. Giá trị sản xuất trong vùng đạt từ 350 - 500 triệu đồng/ha.
Toàn huyện có 111,1 ha rau được sản xuất theo quy trình VietGAP, tăng 83,4 ha so với năm 2016, vượt 170% mục tiêu đề án. Giá trị sản xuất trong vùng này cao hơn so với sản xuất thông thường từ 30 - 50%.
Huyện có 16 mô hình nhà màng, nhà lưới với diện tích hơn 118.000 m2. Trong đó, 9 mô hình nhà màng sản xuất rau và 2 mô hình nhà lưới trồng dưa lê, dưa vân lưới chất lượng cao, dưa chuột, tổng diện tích hơn 71.300 m2, tăng hơn 68.300 m2 so với mục tiêu đề án.
Bà Tăng Thị Hạnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho biết thời gian tới huyện tiếp tục quy vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, phấn đấu đạt diện tích 300.000 m2 nhà màng, nhà lưới.
Hiệu quả kinh tế cao
Sản xuất trong nhà màng, nhà lưới giúp hạn chế sâu bệnh và ảnh hưởng do thời tiết xấu. Sản phẩm có hợp đồng tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân sản xuất nông sản trong nhà màng, nhà lưới có lợi nhuận gấp 7-8 lần so với sản xuất bên ngoài.
HTX Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn là đơn vị điển hình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Thành lập từ năm 2014, đến nay HTX có 168 thành viên, 37 ha sản xuất. HTX chuyên trồng rau quả an toàn theo quy trình VietGAP với các loại chủ lực như bầu, bí, mướp, cải bắp…
Ông Phùng Thanh Mừng, Giám đốc HTX Tân Minh Đức cho biết ông đã vào Đà Lạt học tập kinh nghiệm sản xuất trong nhà màng, nhà lưới. Năm 2017, ông bắt đầu xây dựng mô hình này tại địa phương với diện tích 7.000 m2. Đến nay, diện tích tăng lên 30.000m2 với hệ thống khung nhà màng, tưới nước tự động… kinh phí khoảng 12 tỷ đồng. Mô hình này chủ yếu trồng dưa vân lưới và dưa chuột baby. Doanh thu đạt 30-35 triệu đồng/sào, tăng 25-30 triệu đồng/sào so với cách trồng truyền thống. Tất cả sản phẩm nông sản có hợp đồng bao tiêu. Mỗi ngày, HTX Tân Minh Đức cung ứng 1-2 tấn rau củ quả cho thị trường, doanh thu mỗi năm đạt 12 tỷ đồng. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng diện tích thêm 20.000m2 nhà màng, nhà lưới.
Ngoài ra, Gia Lộc cũng đang đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao. Tiêu biểu là HTX Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt ở xã Hồng Hưng. Từ 8 thành viên với diện tích nuôi thủy sản 10 ha, đến nay HTX đã có 28 thành viên, diện tích sản xuất 136 ha. Trong đó, 70% diện tích được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, đặc biệt là mô hình nuôi cá "sông trong ao".
Anh Lê Văn Việt, Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt cho biết trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống không hiệu quả nên năm 2016, anh cùng HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 5 bể theo mô hình tạo sông trong ao để nuôi cá với diện tích 2,5 ha. Bể nuôi cá theo mô hình này được lắp đặt 1 máy sục khí công suất lớn tạo dòng chảy liên tục trong bể để thay đổi nguồn nước và một máy cho cá ăn tự động nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho cá... Tổng chi phí khoảng 300-500 triệu đồng/bể. Công nghệ trên giúp giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước, sản lượng cá đạt cao gấp 5-7 lần so với phương thức nuôi truyền thống, thịt cá dai và thơm ngon. Mỗi năm, HTX bán trên 5.000 tấn cá thương phẩm, trong đó 3.500 tấn cá rô phi, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương với thu nhập khoảng 6-8 triệu đồng/người/tháng.
THẾ ANH