Hồi nhỏ bà nội tôi thường đem chuyện gặt lúa non mỗi kỳ giáp hạt kể cho các cháu nghe để ôn lại một thời gian khó.
Bà tôi bảo ngày xưa nhà nông chỉ biết trông vào củ khoai, ruộng lúa, con gà, con vịt vừa để ăn vừa để bán lấy tiền chi tiêu. Có năm đói, lúa chưa chín kỹ đã phải gặt về để xát gạo ăn hoặc chi tiêu vào việc gì cần kíp mà không có khoản nào thay thế.
Giờ đây không còn cảnh nhà nông phải gặt lúa non nữa và cũng không còn thiếu đói như trước. Từ chuyện gặt lúa non của bà, tôi lại liên tưởng đến xu hướng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần của nhiều người lao động (NLĐ) hiện nay. Đặc biệt những ngày qua khi trên mạng xã hội nhiều lao động rủ nhau đi rút BHXH một lần.
Hơn hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống của không ít công nhân, lao động gặp khó khăn, thu nhập giảm sút, thậm chí không có thu nhập vì không ít doanh nghiệp đã phải cho công nhân nghỉ. Những khó khăn trước mắt đã khiến nhiều lao động không còn nghĩ đến chuyện lâu dài mà quyết định rút BHXH một lần. Hầu hết người rút BHXH một lần đều có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống thiếu thốn cần một khoản tiền chi tiêu trong khi lại mất việc không có điều kiện đóng BHXH tiếp. Ngoài ra, nhiều NLĐ không nắm chắc thông tin, hiểu chưa thấu đáo ý nghĩa của BHXH, nghe tin đồn thất thiệt vỡ quỹ BHXH, từ đó nảy sinh ý định rút BHXH một lần. Thời gian NLĐ phải đóng BHXH để hưởng lương hưu quá dài, lên đến 20 năm, trong khi chênh lệch về tiền lương hưu với tiền lương lúc còn làm việc quá lớn, NLĐ thấy thiệt thòi và muốn rút BHXH một lần mà không muốn đóng tiếp.
Từ những nguyên nhân này đã khiến thời gian qua số người rút BHXH một lần tăng lên. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, từ đầu năm đến nay có đến gần 40.000 người rút BHXH một lần. Tại Hải Dương, từ đầu năm đến nay cũng có khoảng 2.000 người rút BHXH một lần, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Người rút BHXH chủ yếu có tuổi đời khá trẻ, làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài…
BHXH giống như “của để dành”, giúp NLĐ có một khoản tiền để trang trải cuộc sống khi về già, không phải phụ thuộc vào con cháu. Khi về hưu, NLĐ sẽ được nhận lương hưu hằng tháng, được cơ quan BHXH cấp bảo hiểm y tế hưởng quyền lợi khám chữa bệnh… Khi rút BHXH một lần, NLĐ sẽ rất thiệt thòi vì khi muốn tham gia lại sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, chỉ được tính từ lúc đóng BHXH mới. Như vậy, NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu hoặc số tiền lương hưu sẽ rất thấp. Bên cạnh đó, họ sẽ không được cấp miễn phí thẻ BHYT, quyền lợi kèm theo khi nghỉ hưu và còn nhiều quyền lợi khác nếu duy trì đóng BHXH liên tục.
Vậy làm sao để NLĐ thấy được ý nghĩa của BHXH mà bỏ ý định “gặt lúa non”. Tôi cho rằng điều quan trọng hơn cả là cần có sự thay đổi từ chính sách để người dân thấy được ý nghĩa của việc đóng và duy trì BHXH. Thời gian đóng BHXH có thể rút ngắn xuống còn 10 hay 15 năm thay vì 20 năm như hiện nay. Ngoài ra, cần có cơ chế để NLĐ có thể bảo lưu thời gian đóng và tiếp tục tham gia lại dưới hình thức đóng BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện.
Cùng với những thay đổi từ chính sách BHXH thì sự chăm lo đời sống, việc làm cho NLĐ cần được quan tâm hơn nữa. Những gói hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 vừa qua của Chính phủ là một ví dụ điển hình. Dù chưa thể bao phủ rộng nhưng những chính sách này đã góp phần không nhỏ vào việc hạn chế NLĐ phải rút BHXH một lần do những khó khăn của đại dịch. Khi NLĐ có cuộc sống tốt, yên tâm, tin tưởng vào chủ doanh nghiệp, chính sách của Nhà nước thì không dại gì phải rút BHXH một lần để bất an khi về già.
HẢI MINH