Trước quy định đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu, hiện một bộ phận lao động ở Hải Dương đã có tâm lý "gặt lúa non, trồng vụ mới" để không phải đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian quá dài.
Muốn rút bảo hiểm xã hội sớm
Theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, người lao động đóng bảo hiểm 15 năm sẽ đủ điều kiện được hưởng lương hưu. Trước thông tin này, không ít người lao động, đặc biệt là những người còn trẻ tuổi nhưng đã có nhiều năm đóng bảo hiểm xã hội có suy nghĩ rút bảo hiểm xã hội 1 lần, sau đó tiếp tục tham gia để hưởng lương hưu.
Anh Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1987, quê ở Ninh Giang), đang làm công nhân cho một công ty cơ khí. Anh Bình đã có hơn 13 năm đóng bảo hiểm xã hội. Mới đây, khi nghe thông tin sắp tới đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm đã được nhận lương hưu, anh Bình bàn với vợ, thống nhất rút bảo hiểm xã hội 1 lần, được số tiền hơn 100 triệu đồng.
Anh Bình cho biết: “Tôi tính rồi, bây giờ mình rút được một khoản tiền tương đối để giải quyết công việc gia đình. Tuổi của tôi vẫn còn đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trước khi về hưu. Sắp tới tôi sẽ đóng lại”. Cũng chính vì tính toán như cách này nên anh Bình cho biết từ đầu năm đến nay còn có mấy người nữa cùng làm công ty với anh, đều đã đóng bảo hiểm xã hội được khoảng chục năm cũng đã rút bảo hiểm xã hội một lần.
Chị Nguyễn Thị Xuyến (sinh năm 1983, ở phường Việt Hòa, TP Hải Dương) hiện làm công việc giao hàng ở một công ty tư nhân. Chị đã tham gia bảo hiểm xã hội hơn 20 năm. Trong lúc công việc bấp bênh mà tính tuổi về hưu còn rất dài nên chị Xuyến đã nghĩ đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần, nhất là khi có thông tin sau này chỉ cần đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội là đã có thể nhận lương hưu. Vì vậy, chị Xuyến đã đến cơ quan bảo hiểm xã hội để hỏi về thủ tục và số tiền mình được lĩnh. Khi nghe nhân viên bảo hiểm tư vấn không nên rút mà có thể bảo lưu số năm đã đóng, chị Xuyến có vẻ đắn đo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
“Tôi khá tiếc nếu như rút bảo hiểm xã hội 1 lần vào thời điểm này vì số năm đóng của tôi đã lâu nhưng nếu như dừng không đóng nữa để bảo lưu chờ đến khi được hưởng lương hưu thì lại bị trừ số % hưởng mất quá nhiều. Tôi tính là nếu rút thời điểm này, mình vừa có một khoản tiền chi tiêu, vừa đợi một thời gian nữa tham gia bảo hiểm xã hội vẫn đủ điều kiện hưởng lương hưu”, chị Xuyến nói. Ngoài ra, chị Xuyến cũng chia sẻ rằng sức khỏe của chị có thể không bảo đảm làm công việc hiện tại đến tuổi về hưu. Vì thế nếu như rút bảo hiểm xã hội chị sẽ để dành tiền đó để sau này tham gia theo hình thức tự nguyện.
Cân nhắc thiệt hơn
Việc người lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải đóng đủ 20 năm theo quy định cũ là một bước tiến mới, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người lao động. Quy định này làm tăng cơ hội cho những người đã trót rút bảo hiểm xã hội 1 lần trước đó vẫn có thể kịp thời gian đóng 15 năm bảo hiểm xã hội; tạo điều kiện cho những người tham gia muộn (khoảng từ 45 tuổi trở lên mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục vẫn có thể tích lũy đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hằng tháng.
Song bên cạnh mặt tích cực đó, quy định này đã nhen nhóm suy nghĩ “gặt lúa non, trồng vụ mới” của một bộ phận người lao động như trên. Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn liên quan không cấm người lao động đã rút bảo hiểm xã hội 1 lần rồi thì không được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, người lao động cần hiểu rằng một khi đã thanh toán bảo hiểm xã hội 1 lần, nếu muốn được hưởng lương hưu thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội buộc phải tính lại từ đầu.
Trước quy định mới từ ngày 1/7/2025, người lao động đóng bảo hiểm đủ 15 năm sẽ đủ điều kiện được hưởng lương hưu, ông Nguyễn Văn Nghiêm, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Thanh Hà phân tích, người lao động cần tính đến giá trị mình được hưởng. Đóng nhiều năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ cao hơn.
Theo quy định, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu tùy thuộc vào số năm đóng bảo hiểm xã hội. Nghĩa là số năm đóng bảo hiểm xã hội nhiều thì mức hưởng lương hưu cũng cao hơn (tối đa là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tối thiểu là 45%). Nếu như người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn, chỉ đủ 15 năm thì mức lương hưu được nhận sẽ ở mức tối thiểu 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh hàng đầu đối với người lao động sau tuổi nghỉ hưu. Việc người lao động rời bỏ hệ thống chính sách này khi các điều kiện đã gần chín muồi là điều rất đáng tiếc. Vì vậy, các ngành chức năng, đặc biệt là ngành bảo hiểm, công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động.
NGỌC THANH