Từ xa, đảo Trường Sa hiện lên trong hình hài như một trái tim của đất nước. Quân dân trên đảo đã và đang tập trung xây dựng nơi đây trở thành hình mẫu của cuộc sống bình yên nơi biển xa.
Đảo Trường Sa hôm nay
“Thủ đô” của trùng dương
Đầu năm nay, lần đầu tiên tôi được ra thăm đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Mặc dù đã đọc nhiều bài báo về hòn đảo đặc biệt này, biết rằng Trường Sa hôm nay không còn trơ trụi, khó khăn như nhiều năm trước nhưng khi đặt chân lên đảo, tôi vẫn thấy ngỡ ngàng. Đảo Trường Sa rộng 44 ha hiện lên trước mắt tôi với hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng khá đồng bộ, khang trang không hề kém đất liền. Trường Sa được xem là “thủ đô” của quần đảo, vì ngoài đảo xa mà có cả sân bay, nhà ga hàng không, trụ sở làm việc của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ xây 3 tầng. Đảo có cả nhà khách 2 tầng, phòng ốc lịch sự luôn sẵn sàng đón người ra thăm. Hội trường đảo được xây rộng hàng trăm mét vuông, trang bị đầy đủ bàn ghế, sân khấu, âm thanh, ánh sáng, đáp ứng tốt mọi điều kiện để tổ chức các sự kiện tập trung đông người.
Đảo vừa khánh thành một âu tầu rộng rãi có thể cùng lúc làm nơi neo đậu cho 70 tàu thuyền. Cách chân cầu cảng không xa là cổng chào hoành tráng đang trong quá trình hoàn thiện. Các tuyến giao thông dẫn vào các công trình quân sự, dân sinh, công cộng đều đã được cứng hóa, hai bên là những hàng cây xanh được quy hoạch thẳng tắp, đẹp như công viên. 750 tấm pin năng lượng mặt trời và 22 trụ gió được đặt khắp nơi trên đảo đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng của quân và dân nơi đây. Ngoài 8 giếng nước ngọt, trên đảo còn có hàng chục bể chứa nước sinh hoạt để quân dân dùng dần. Trường học ở đảo xây 2 tầng với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Trước tòa nhà lớp học còn có công viên thu nhỏ với nhiều trò chơi để học sinh giải trí trong giờ giải lao hay lúc tan học.
Ghé thăm Trung tâm Y tế đảo Trường Sa, tôi rất bất ngờ với những thiết bị hiện đại ở đây. Theo thượng úy, bác sĩ Trần Đức Linh, trung tâm mới đi vào hoạt động từ tháng 5.2017 trên cơ sở nâng cấp bệnh xá trước kia. Trung tâm Y tế đảo Trường Sa có quy mô tương đương một bệnh viện cấp huyện trong đất liền, với 40 - 45 giường bệnh và trong trường hợp cần thiết có thể tăng lên 60 - 70 giường bệnh. Hiện tại, trung tâm đã được trang bị hệ thống chụp X-quang kỹ thuật số, máy nội soi, gắn răng, hệ thống phòng mổ hiện đại có thể thực hiện những ca mổ khó… Trung tâm có 3 bác sĩ đảm nhận tất cả các chuyên khoa, 7 y sĩ chuyên ngành. Năm 2017, Trung tâm Y tế đảo đã thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho quân dân trên đảo. Trong đó đã khám và điều trị cho hơn 2.400 lượt bệnh nhân là cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo và ngư dân đánh bắt cá trên biển. “Hiện nhiều trường hợp gặp tai nạn nặng đã được cấp cứu thành công tại trung tâm mà không cần phải di chuyển vào đất liền bằng trực thăng như trước. Khi gặp ca bệnh khó, chúng tôi sẽ hội chẩn trực tuyến với bệnh viện trong đất liền nên các công việc diễn ra rất thuận lợi”, bác sĩ Linh nói.
Người dân trên đảo Trường Sa được khám sức khỏe định kỳ
Nhiều công trình tâm linh cũng đã được xây dựng trên đảo Trường Sa như khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chùa. Một số sân chơi thể thao như bóng chuyền, bóng đá, khu tập thể dục đa năng… càng làm cho một phần của Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió thêm gần lại với đất liền. Trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết những năm gần đây, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, đảo Trường Sa đang không ngừng đổi mới. Năm 2018, đảo sẽ tập trung xây dựng thêm các khu vực sinh hoạt câu lạc bộ, nhà truyền thống, nhà nghỉ, khu xử lý rác thải rắn… phát triển kinh tế cho cư dân.
Cuộc sống ấm no
Màn đêm buông xuống, những ngọn đèn cao áp trên đảo Trường Sa thắp lên thứ ánh sáng ấm áp, gần gũi. Xuống thăm khu nhà ở của các hộ dân, tôi gặp vợ chồng anh Thái Nhật Trường, chị Nguyễn Bình Phương Ái và 3 con nhỏ đang dùng cơm tối. Ngoài đảo xa nhưng trên mâm cơm của gia đình anh chị vẫn đầy đủ các món như trong đất liền với thịt vịt nướng, cá kho, rau cải luộc. Nhìn những đứa trẻ ăn cơm ngon lành khiến tôi cũng vui và thấy ấm lòng. “Mỗi năm 1 lần về thăm đất liền thì sẽ mua các loại đồ khô, nhu yếu phẩm cần thiết. Còn ngoài này chúng tôi nuôi gà, vịt, trồng các loại rau xanh. Nói chung cũng không thiếu gì so với đất liền anh ạ”, chị Ái nói.
Dạo quanh một vòng mới thấy nhà dân nào trên đảo Trường Sa cũng khang trang và khá rộng rãi. Ngoài bàn ghế, các phương tiện nghe nhìn như đài cát sét, ti vi, điện thoại di động, một số hộ còn mua cả laptop, đầu thu vệ tinh để xem các kênh truyền hình yêu thích. Gần đến Tết, các hộ cùng làm hoa ốc điện, treo cờ Tổ quốc, trang trí bàn thờ, nhà cửa cho không khí thêm ấm áp, gần gũi. Chị Võ Thị Thu Sai, một người dân trên đảo cho biết ngoài đảo tuy không nhộn nhịp như trong đất liền nhưng đời sống vật chất, tinh thần luôn đầy đủ và không ngừng được nâng cao. Con cái của họ được học tập, phát triển trong môi trường lành mạnh, an toàn. Quan trọng nhất là quân với dân, dân với dân trên đảo sống đoàn kết, thắm đượm tình cảm như một gia đình. “Ngày Tết hay ngày thường chúng tôi đều giúp đỡ nhau trong mọi công việc. Bộ đội có thì cho dân, dân có cho lại bộ đội. Chúng tôi cùng tham gia vào tất cả các hoạt động từ chào cờ, đi lễ chùa, các trò chơi… nên cảm thấy rất vui vẻ, ấm lòng dù sống xa đất liền”, chị Sai cho biết.
Cơ sở hạ tầng trên đảo Trường Sa ngày càng được đầu tư đồng bộ, Đảng ủy, chính quyền đảo quan tâm xây dựng khối đoàn kết toàn dân… Đó là những tiền đề quan trọng để đảo Trường Sa không ngừng phát triển, xứng đáng là trái tim của quần đảo giữa trùng dương.
TIẾN MẠNH