Ngay sau khi Zhu bước vào nhà, tiếng chuông cửa vang lên kèm lời chào mừng rồi máy quay lướt qua một căn hộ.
Cô gái cởi bỏ giày, dép, đồ trang sức vào những ngăn tủ trắng tinh, sạch sẽ, sau đó bắt đầu nấu bữa tối, chơi với thú cưng, dưỡng da và xem ti vi.
Ở Trung Quốc phổ biến thuật ngữ "shengnü" (gái ế) được sử dụng cho những cô gái ngoài 20 tuổi chưa kết hôn. Thậm chí nhóm người này còn bị coi là "vấn đề xã hội cần giải quyết". Mặc dù đã giảm xuất hiện trong diễn ngôn chính thức từ năm 2017, sự kỳ thị vẫn hiện hữu qua truyền thông và văn hóa đại chúng. Đặc biệt, hình ảnh "kết thúc có hậu" của các nhân vật nữ trong phim ảnh thường chỉ đến thông qua tình yêu và hôn nhân.
Thế nhưng, trên Xiaohongshu, một thế hệ phụ nữ mới đang định nghĩa lại cuộc sống độc thân. Thay vì thể hiện sự mong muốn hôn nhân, họ tôn vinh sự tự do, tự chủ tài chính và cuộc sống chất lượng cao.
Zhu nằm là một trong số những phụ nữ của trào lưu "Vlog sống một mình" đang thịnh hành trên Xiaohongshu, nền tảng được gọi là Instagram của Trung Quốc. Trong các vlog, phụ nữ độc thân khẳng định rằng cuộc sống một mình không phải là cô đơn, mà là giải thoát. Họ coi hôn nhân là sự ràng buộc và tận hưởng lối sống tự do mà không cần đàn ông.
"Người ta bảo sống một mình cô đơn, nhưng so với cuộc sống hôn nhân hỗn loạn, tôi chọn sự tự do", một vlogger viết.
Những câu nói như "Sống một mình có mùi tự do" hay "Sống một mình thì cô đơn, nhưng không có tình yêu thì tự do" trở thành tuyên ngôn phổ biến trong cộng đồng vlog này.
Không chỉ sống cho bản thân, họ còn tôn vinh sự độc lập tài chính. Họ thường giới thiệu mình là những người thành đạt với khả năng tự kiếm tiền để đảm bảo một cuộc sống viên mãn. Thông qua ngôi nhà tự mua bằng khả năng của mình, họ chứng minh đó không chỉ là không gian sống, còn là biểu tượng của năng lực tài chính và quyền tự quyết, giúp họ tránh xa gánh nặng hôn nhân và nội trợ.
Một video nổi bật ghi lại cuộc sống sau giờ làm việc của một vlogger sinh đầu những thập niên 1990: Tập thể dục tại nhà, nấu ăn bằng lò nướng hiện đại và xem phim trên máy chiếu. Tất cả đều diễn ra trong căn hộ cao cấp 70 m2 với đồ gia dụng tinh tế. Thu nhập hàng tháng 30.000 tệ (105 triệu đồng) giúp cô duy trì lối sống đô thị chất lượng cao.
Bên cạnh những khía cạnh tích cực, vlog sống một mình cũng phơi bày mặt trái của cuộc sống độc thân. Một số người chia sẻ về cảm giác kiệt sức vì làm thêm giờ, song tựu trung họ vẫn coi đây như cái giá xứng đáng để duy trì tự do.
"Cảm giác thật tuyệt khi chỉ tập trung vào sự nghiệp mà không cần phải thích ai đó", một cô gái khác nói.
Nhà nghiên cứu về giới và văn hóa Quách Gia (Đại học Sydney, Australia) kết luận các vlogger độc thân trên Xiaohongshu đang chứng minh rằng phụ nữ không cần hôn nhân để tìm thấy hạnh phúc.
T.H (theo VnExpress)