Bất động sản

Gần 5.000 doanh nghiệp bất động sản rời thị trường trong năm 2023 cho thấy điều gì?

T.H (theo Tuổi trẻ) 22/01/2024 16:05

Bộ Xây dựng cho biết năm 2023, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn, có gần 5.000 doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn.

base64-1705739053486575529673.jpg
Thị trường trầm lắng, nhiều khu biệt thự xa trung tâm Hà Nội hoàn thiện nhiều năm nhưng không có người ở

Cắt giảm hàng ngàn nhân sự

Trong đó, có 1.286 doanh nghiệp phá sản, giải thể, tăng 7,7%, và 3.705 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tăng 47,4%, so với cùng kỳ năm trước.

Tình trạng cắt giảm nhân sự tại các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang diễn ra không chỉ đối với các doanh nghiệp nhỏ mà cả với những doanh nghiệp bất động sản quy mô lớn trên thị trường.

Một số doanh nghiệp bất động sản lớn cắt giảm nhân sự trong năm 2023 như Tập đoàn Đất Xanh giảm 1.384 nhân sự, Đất Xanh Services giảm 1.245 nhân sự.

Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng ghi nhận bất động sản là ngành duy nhất có số doanh nghiệp thành lập mới đi lùi trong năm 2023. Số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong năm khoảng 4.725 doanh nghiệp, giảm khoảng 45% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó hội cho biết trong năm vừa qua, bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc phá sản.

Hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối mặt với kịch bản như: phá sản, tạm dừng hoạt động, sa thải nhân viên, thu hẹp quy mô, cắt giảm lương, tái cấu trúc...

"Các doanh nghiệp may mắn còn tồn tại trên thị trường hầu hết đều xác định tinh thần hoặc là lỗ hoặc lợi nhuận có thể giảm tới 80 - 90% so với cùng kỳ các năm trước", báo cáo của VARS nhận định.

Số lượng môi giới bất động sản phải nghỉ việc hoặc làm song song nhiều việc cùng lúc để có thêm thu nhập ngày càng gia tăng.

Tính đến thời điểm giữa năm 2023, có đến 30 - 40% môi giới phải nghỉ việc, cuối năm 2023 tình trạng này cơ bản đã ổn định hơn, nhưng vẫn có 15 - 25% môi giới tiếp tục phải bỏ nghề.

Ba khó khăn, thách thức

Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2023 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản đối đầu với ba khó khăn, thách thức lớn.

Đó là vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc, quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên...

Cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân, công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án.

Và hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án, phải giãn tiến độ, dừng triển khai.

T.H (theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần 5.000 doanh nghiệp bất động sản rời thị trường trong năm 2023 cho thấy điều gì?