Gần 15% người Việt bị rối loạn tâm thần, trong đó có người trưởng thành trong độ tuổi lao động. Làm sao để ngăn ngừa rủi ro về sức khỏe tâm thần người lao động tại nơi làm việc?
Đây là chia sẻ của ông Bart Verheyen - chủ tịch của BeLuxCham Việt Nam, cố vấn kinh tế ngoại giao Việt Nam tại Vương quốc Bỉ - nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Vương quốc Bỉ và hội nghị ESG (ứng dụng từ tiêu chuẩn quốc tế tới triển khai thực tiễn tại Việt nam) sắp diễn ra.
Ông Bart Verheyen cho biết một trong những vấn đề hội nghị tập trung là sức khỏe tâm lý, đồng thời nâng cao nhận thức và tầm nhìn về sức khỏe tinh thần, đặc biệt người trong độ tuổi lao động.
Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có khoảng 12 tỉ ngày làm việc bị mất do trầm cảm và lo lắng, gây thiệt hại 1.000 tỉ USD mỗi năm về năng suất lao động.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, có khoảng 15% người bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm và rối loạn lo âu chiếm vị trí hàng đầu.
Đặc biệt, phụ nữ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần gấp đôi nam giới. Tuy nhiên, có đến 71% không tiếp cận được các dịch vụ sức khỏe tâm thần và có đến 90% phụ nữ Việt chọn cách âm thầm chịu đựng, không cầu cứu.
Bên cạnh đó, việc điều trị tâm lý hiện nay thường chỉ liên quan đến thuốc, trong khi các phương pháp khác như tư vấn hoặc tâm lý trị liệu thì chưa được phát triển đầy đủ và chi phí lại đắt đỏ so với thu nhập người dân Việt Nam.
Do đó, theo ông Bart Verheyen, cần có những hành động hiệu quả để ngăn ngừa rủi ro về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc nói riêng và trong cuộc sống nói chung, từ đó giúp bảo vệ, tăng cường và hỗ trợ sức khỏe tâm thần người lao động.
Cụ thể, định hướng các doanh nghiệp tổ chức các hội thảo, buổi trò chuyện của chuyên gia tâm lý về chuyên đề chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm thần cho người lao động. Đồng thời, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhóm người lao động đang gặp rắc rối về vấn đề sức khỏe tâm thần, và có thể tìm tới sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý.
Theo các nghiên cứu, khi người trưởng thành trong độ tuổi lao động được làm việc ở môi trường hạnh phúc thì sẽ mang lại kết quả kinh doanh cho đơn vị được tốt hơn.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần tăng cường nhận thức về sức khỏe tâm thần để tự chăm sóc cho mình, người thân và bạn bè xung quanh bằng cách nhận ra và chia sẻ về cảm xúc của bản thân, tăng cường hoạt động thể chất, ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, sử dụng đồ uống hợp lý.
Giữ liên lạc với mọi người xung quanh, làm những công việc mà mình có khả năng, chấp nhận bản thân dù bạn là ai, quan tâm đến những người khác, đề nghị sự trợ giúp khi cần.
Theo Tuổi trẻ