Ở Hải Dương đã có những vụ tự tử, án mạng thương tâm xảy ra mà nguyên nhân chính là do người mắc bệnh trầm cảm.
Trong tuần lễ có Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 lẽ ra chỉ nên có những niềm vui của chị em, tôi lại lặng đi khi nghe về một vụ việc đau lòng. Một người phụ nữ ở Nam Định mắc bệnh trầm cảm đã dìm chết 2 đứa con nhỏ của chị dưới sông.
Báo chí đã đưa tin gia đình xác nhận chị bị trầm cảm và đã xin nghỉ việc. Do thấy chị đỡ bệnh nên gia đình đồng ý để chị dẫn 2 con nhỏ đi chơi. Không ngờ xảy ra sự việc quá đau xót.
Thương 2 đứa trẻ và tôi cũng thấy thương chị, bởi chắc chắn rồi, chỉ có thể vì bị bệnh người phụ nữ này mới gây ra việc đau lòng ấy.
Tôi buồn hơn vì những vụ việc đáng tiếc do người bị bệnh trầm cảm gây ra giờ không hiếm. Ở Hải Dương trong mấy năm qua, khi thì có người trầm cảm tự tử, khi thì có người trầm cảm gây án… Cũng không biết do thông tin nhanh nhạy hơn, hay do số người mắc bệnh trầm cảm, các bệnh lý về tâm thần gia tăng? Trong cộng đồng, dù công khai hay không, nhưng số người mắc bệnh trầm cảm, các bệnh lý về tâm thần ở đâu cũng có.
Gõ từ khoá "trầm cảm" tìm trong Google, chúng ta được biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cứ 20 người bình thường sẽ có một người đã từng bị một giai đoạn trầm cảm trong năm trước. Mỗi năm trung bình 850.000 người chết vì trầm cảm. Rối loạn trầm cảm không phân biệt giới tính hay độ tuổi, nhưng tỷ lệ mắc chứng trầm cảm ở phụ nữ gấp đôi nam giới...
Những thông tin trên càng cho thấy mức độ nguy hiểm của căn bệnh này trong thời đại hiện nay.
Tôi từng gặp một phụ nữ trẻ đã trải qua trầm cảm do biến cố trong cuộc sống. Cô cho biết vượt qua được trầm cảm là do cha mẹ đã hết lòng gần gũi, theo sát tâm sinh lý của cô. Có những giai đoạn mà sau này khi vượt qua rồi, đọc, tìm hiểu lại cô mới thấy mức độ nguy hiểm của bệnh. Có lúc mất ngủ, con khóc quấy cô chỉ muốn cho con đi, bế con lang thang ra đường… Có lúc lại liên tục nghĩ về việc bị chồng phản bội… Nếu không có sự theo sát, đúng hơn là giám sát từng cử chỉ, hành động, diễn biến tâm lý của cha mẹ thì cô cũng không dám chắc bản thân có thể kiểm soát được hành động của chính mình hay không.
Tôi còn nhớ, hơn 4 năm trước, khi bố tôi bị chẩn đoán sa sút trí tuệ, chớm trầm cảm, tôi chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh. Mẹ tôi được bác sĩ tư vấn riêng và khuyến cáo sẽ rất vất vả để đồng hành với bố tôi. Phải chứng kiến sự kiên trì, hỗ trợ điều trị liên tục của mẹ mấy năm qua để bệnh tình bố không xấu đi, tôi mới hiểu được giá trị của sự quan tâm, sát cánh của người thân với người không may mắc bệnh trầm cảm.
Là phụ nữ, từng trải qua giai đoạn tâm sinh lý bất ổn thời kỳ sinh nở, hẳn nhiều chị em cũng thấy tầm quan trọng của sự quan tâm, sẻ chia của người thân.
Y học hiện đại đang không ngừng phát triển, nhiều người mắc bệnh đã khỏi, đem lại niềm tin cho nhiều gia đình khác. Bởi vậy, để chặn đứng những vụ việc đau lòng như trên do người không may mắc bệnh trầm cảm, các bệnh về tâm thần gây ra, quan trọng nhất vẫn là sự thấu hiểu, quan tâm, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ của người thân, gia đình của người bệnh.
Hãy nhìn vào những vụ việc để lại hậu quả đau lòng như ở đầu bài viết để mỗi gia đình, người thân của người bệnh thấy lo ngại, thấy trách nhiệm trong việc giúp người bệnh vượt qua.
LINH AN (Ninh Giang)